Trung Quốc “xả” hàng sang Việt Nam để né thuế Mỹ?

Trung Quốc “xả” hàng sang Việt Nam để né thuế Mỹ?

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chính thức bắt đầu sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% của chính quyền Mỹ với các mặt hàng từ Trung Quốc và ngược lại.


Đây cũng là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nên sẽ có những tác động không thể tránh khỏi.

Trung Quá»c âxảâ hàng sang Viá»t Nam Äá» né thuế Mỹ?

Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được hưởng lợi hơn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cơ hội mua dự trữ nguyên vật liệu giá rẻ

Chuyên gia chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC - phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, nhận định tác động về lâu dài là có, chứ trước mắt thì khó xảy ra. Bởi nền kinh tế Việt Nam tuy đã hội nhập nhưng quá nhỏ bé so với quy mô kinh tế của Mỹ và Trung Quốc.

“Có hai yếu tố tác động đến sản xuất thương mại Việt Nam. Thứ nhất là hàng thấp cấp của Trung Quốc, nhân cơ hội này, được quảng cáo là hàng xuất khẩu đi Mỹ nhưng tồn dư, được đẩy vào thị trường Việt Nam. Điều này nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng sẽ sập bẫy. Thứ hai, nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp nặng từ Trung Quốc sẽ được xả hàng do thuế xuất sang Mỹ cao quá. Các nhà sản xuất Việt Nam có thể tính toán tăng mua dự trữ nguyên vật liệu để sản xuất”, ông Robert Trần phân tích.

Cơ hội là vậy nhưng theo các chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài mạnh về vốn sẽ tận dụng cơ hội tốt hơn các DN nội. Thuế của Mỹ đang đánh vào hàng xuất khẩu Trung Quốc thuộc các lĩnh vực như: động cơ, xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện viễn thông, dệt may da giày... Thuế của Trung Quốc nhắm chủ yếu vào hàng nông sản, thủy sản và ô tô của Mỹ. Nhìn vào các nhóm hàng này, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, sắt thép, vật liệu xây dựng… cũng là nhóm hàng Mỹ đang áp dụng thuế cho Trung Quốc. Đây là cơ hội cực lớn để “kéo” khách hàng lẫn thu hút đầu tư. Tuy nhiên, DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn hơn bởi họ có nguồn tài chính tốt để tăng mua nguyên vật liệu, linh kiện giá rẻ từ Trung Quốc.

“Nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thủy sản thì hoàn toàn không hưởng lợi từ cuộc chiến này. Việt Nam gia công nhóm hàng điện tử hay dệt may da giày, nên nói hưởng lợi, nếu có, là của DN nước ngoài chứ DN trong nước không có đâu”, chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa nhận định. Lạc quan hơn, theo ông Robert Trần, nếu cạnh tranh tay đôi về giá thì Việt Nam thua Trung Quốc. Nhưng từ việc Mỹ áp thuế hàng hóa từ Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho DN Việt Nam nếu biết tận dụng.

Nguy cơ vạ lây từ hàng Trung Quốc

Nhiều ý kiến lại quan ngại hàng Trung Quốc tìm cách đổ sang các thị trường thứ 3 để tìm đường vào Mỹ. Hiệp hội Thép Việt Nam đã có khuyến cáo với các DN không nên “tiếp tay” cho thép Trung Quốc tuồn sang Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác. Lo ngại của ngành thép Việt hoàn toàn có cơ sở khi trong quá khứ, xuất khẩu thép Việt Nam đã không ít lần bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với mức thuế rất cao, tương đương mức thuế Mỹ đã áp với thép Trung Quốc trước đó. Cụ thể, hàng nhập gia công thép cán nguội Việt Nam xuất sang Mỹ vừa bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên đến 240%, tôn mạ trên 500%... Rồi tình trạng hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam, mượn xuất xứ để xuất sang Mỹ, lúc đó, Việt Nam sẽ bị vạ lây, bị phạt chống bán phá giá rất cao.

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng hệ thống thương mại thế giới đang được tổ chức theo các chuỗi sản xuất đặt tại nhiều quốc gia. Thế nên, rủi ro thực sự của các cuộc chiến thương mại là tạo ra tác động lan tỏa chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi một nhóm nước.

Quan trọng hơn, khi 2 cường quốc “đụng độ” nhau về vấn đề kinh tế, có thể chủ nghĩa bảo hộ, đề cao chủ nghĩa dân tộc... sẽ quay trở lại. Không chỉ lo ngại về mượn xuất xứ, TS Phạm Sỹ Thành cũng cảnh báo biện pháp trừng phạt được mở rộng sang nhiều ngành hàng khác nhau khi Mỹ áp. Chẳng hạn, thuế chống lẩn tránh của Mỹ đã đặt ra nhằm lần theo các dòng vốn của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhằm tránh lệnh trừng phạt từ Mỹ. Như vậy, nếu hàng hóa từ nước khác đưa vào Mỹ bị áp thuế chống lẩn tránh, có nghĩa là đã nhắm vào hàng hóa “có liên quan Trung Quốc”.

“Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam có thể sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực cải thiện quy mô và chất lượng xuất khẩu. Điều đáng lo ngại là Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam”, TS Thành kết luận.

Theo Báo Thanh Niên

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang