LS Trương Thanh Đức chia sẻ với quan điểm cho rằng cần phải có chính sách quản lý Uber, Grab của Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể.
Quan điểm trên đưa ra vì Bộ trưởng lo ngại có thể các doanh nghiệp này báo lỗ để trốn thuế, hoặc do giảm giá tối đa để "giết các ông taxi truyền thống".
Với khả năng này, để có thể chiếm lại được thị phần của taxi truyền thống, vốn được xây dựng từ nhiều năm qua thì bắt buộc Uber, Grab phải có những chiến lược cụ thể.Phân tích kỹ hơn, ông Đức chỉ ra hai khả năng. Khả năng thứ nhất, là Uber, Grab muốn nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường vận tải trong nước.
Trong đó, có thể tính tới cả các phương án nhằm triệt hạ đối thủ, các phương án cạnh tranh không lành mạnh như giảm giá thật nhiều, chấp nhận bù lỗ ban đầu để loại trừ đối thủ ra khỏi cuộc chơi. Khi đã chiếm lĩnh được thị trường, nghiễm nhiên Uber, Grab sẽ trở thành loại hình vận tải độc quyền, lúc đó họ có thể tùy ý tăng giá.
Khả năng thứ hai cũng rất dễ xảy ra đối với một loại hình vận tải, kinh doanh mới, đó chính là chi phí đầu tư quá nhiều cho quảng cáo.
Trong đó, có những loại hình quảng bá hình ảnh, thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, các chương trình giảm giá, khuyến mãi... nhằm kích thích người tiêu dùng. Những chi phí này nếu không được tính toán cẩn thận cũng là một khoản chi phí rất lớn.
Trên thực tế, cũng đã có nhiều loại sản phẩm rất tốt nhưng cũng không đưa được vào thị trường do làm truyền thông không tốt, không ai biết đến thương hiệu, sản phẩm đó.
Đối với khả năng này, nếu muốn để đánh giá được chi phí cho truyền thông, quảng cáo là lỗ hay lãi so với doanh thu của doanh nghiệp thì cần phải được đánh giá dựa trên cân đối thu chi của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, cũng như mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp đó...
"Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, chỉ trong một thời gian ngắn mà cả Uber và Grab đều đạt tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Theo số liệu từ Vụ Vận tải, Bộ GTVT, hiện tại, cả nước đã có 29.810 xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký tham gia thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào kinh doanh vận tải hành khách. Con số này buộc chúng ta phải nghĩ tới khả năng thứ nhất nhiều hơn", ông Đức nói.
Dựa trên suy luận của mình, LS Trương Thanh Đức cho rằng, trong trường hợp này nếu muốn xử lý Grab và cả Uber đều sẽ gặp khó khăn.
"Về mặt pháp luật, Uber và Grab đều không phải là ngành cấm, cũng không thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, đây mới chỉ là loại hình vận tải mới, đang được thực hiện thí điểm.
Vấn đề là thí điểm đã lâu nhưng cho tới nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được hành lang pháp lý, quản lý rõ ràng, cụ thể. Do đó, tôi cho rằng, tại thời điểm này Bộ GTVT phải chấp nhận những bất cập, phát sinh trong khoảng thời gian chạy thí điểm.
Tuy nhiên, sau đó, Bộ GTVT phải nhanh chóng xây dựng cho được một cơ chế quản lý chặt chẽ, vừa bảo vệ được ngành taxi truyền thống nhưng vẫn đảm bảo khuyến khích sự phát triển của loại hình vận tải mới.
Đặc biệt là vấn đề áp dụng công nghệ trong phát triển dịch vụ vận tải góp phần làm lợi cho đất nước, làm lợi cho người dân", ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức cho biết thêm, vấn đề cốt lõi lúc này là các cơ quan quản lý phải xác định cho được Uber và Grap thuộc loại hình kinh doanh nào? Là doanh nghiệp công nghệ kết hợp với vận tải hay đơn thuần chỉ là loại hình kinh doanh vận tải hoặc chỉ là loại hình doanh nghiệp công nghệ...? dựa trên cơ sở đó mới đưa ra cơ chế quản lý, xử lý phù hợp.
"Tôi cho rằng không nên gọi là taxi truyền thống hay taxi hiện đại mà nên gọi nó với tên gọi là taxi chuyên nghiệp và taxi chưa chuyên nghiệp.
Theo tôi, nếu đây là một loại hình kinh doanh vận tải nhưng biết ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động để đem lại lợi ích cho xã hội thì cần được khuyến khích phát triển. Và cơ chế quản lý cũng phải được xây dựng dựa trên nền tảng đó.
Tất nhiên, đi cùng với đó là những quy định nhằm vừa đảm bảo được an toàn giao thông, không gây ùn tắc mà vẫn buộc doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng thuế với cơ quan nhà nước.
Tôi nhấn mạnh, không nên đặt ra quy định hạn chế hay cấm Uber, Grab mà cần có cơ chế quản lý với những điều kiện kinh doanh mở. Vì rõ ràng đây là một loại hình vận tải mới, hiện đại mang lại lợi ích cho xã hội, cho doanh nghiệp và cho người dân thì cần phải được khuyến khích chứ không phải là cấm.
Tôi lấy ví dụ, nếu để giảm tắc đường chúng ta phải cấm xe riêng chứ không phải cấm taxi, vì taxi là phương tiện công cộng.
Như vậy, nếu cấm không đúng, cấm sai đối tượng thì tình trạng ùn tắc không những nghiêm trọng hơn mà còn gây ra bức xúc. Điển hình là taxi truyền thống thì bị cấm, còn Uber, Grab lại không, đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp taxi phản đối vì cho rằng đang bị đối xử bất công.
Quan trọng nhất là phải xem đây là một loại vận tải mới, mô hình hoạt động mới do dó, cách thức quản lý cũng phải hoàn toàn mới. Không thể rập khuôn cơ chế cũ để quản lý một mô hình mới", ông Đức nhấn mạnh.
Về vấn đề thu thuế, LS Trương Thanh Đức cho rằng, thuế là phải cương quyết thu trong mọi trường hợp nhưng thu thuế phải đúng, phải phù hợp với mọi quy định của pháp luật.
Vì vậy, việc xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng trong quản lý Uber, Grab sẽ là điều kiện để xây dựng chính sách thuế cho hợp lý.
Theo Đất Việt
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI