Đại diện văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết, đây là cuộc khảo sát lần thứ 31 được JETRO thực hiện dưới hình thức phiếu điều tra. Đối tượng khảo sát là 11.994 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư vào 20 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có 4.630 DN đã đưa ra trả lời hợp lệ, riêng tại Việt Nam có 652 DN.
Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại lễ công bố
Từ kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ DN báo lãi chiếm 65,1%, cao hơn con số 62,8% của năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với các DN Nhật tại các nước khác trong ASEAN (79,5% tại Philippines, 73,8% tại Malaysia, 70,3% tại Trung Quốc và 66,0% tại Thái Lan) nhưng lại tốt hơn ở Indonesia (64,6%). Những DN có lãi cao nhất là các công ty gia công xuất khẩu với tỷ lệ lãi 67,5%, trong khi nhóm không gia công xuất khẩu là 62,5% và thấp nhất là khối phi chế tạo với 63,4%.
Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất là vì Việt Nam có tình hình chính trị - xã hội ổn định, khả năng tăng trưởng của thị trường cao,…
Ảnh minh họa internet
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp Nhật khi hoạt động tại Việt Nam, như rào cản ngôn ngữ, tỷ lệ đội địa hóa thấp, chỉ bằng một nửa Trung Quốc và thấp hơn các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia.
Báo cáo cũng chỉ ra, năm 2017 mối trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam đã có nhiều cải thiện song JETRO cũng chỉ ra, chi phí nhân công tăng cao, cơ chế thủ tục thuế phức tạp đang là những rào cản khiến doanh nghiệp Nhật Bản e ngại đầu tư vào Việt Nam. Bởi những rào cản này đang có xu hướng gia tăng.
Ông Hironobu KITAGAWA - Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội chia sẻ, JETRO mong muốn những khó khăn và rủi ro về môi trường đầu tư sẽ được Việt Nam nhìn nhận. Theo đó Việt Nam sẽ cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư và thu hút dòng vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung vào Việt Nam hơn nữa.
Năm 2017, tổng số vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt trên 8,6 tỷ USD, đứng thứ nhất trong số các nhà đầu tư nước ngoài. Về cơ cấu ngành, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển từ lĩnh vực sản xuất, chế tạo sang lĩnh vực phi sản xuất.