Việt Nam hiện có gần 3.000 làng nghề, trong đó có hàng trăm làng nghề truyền thống như gốm sứ Bát Tràng, Bình Dương, Chu Ðậu, Phù Lãng; Gò Công; dệt Vạn Phúc; mây tre đan Củ Chi, Chương Mỹ, Vạn Điểm; chạm bạc Ðồng Xâm, Ðại Bái; đá mỹ nghệ Non Nước... Những thứ rất nhỏ, đơn giản như con tò he, guốc gỗ hay dép cói... cũng xuất khẩu được sang nước ngoài, mang ngoại tệ về cho Việt Nam.

gom-su-2

Du khách tham quan làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội).

Thực tế cho thấy, địa phương nào có làng nghề thì mức sống của người dân nơi đó thường ở mức khá. Thu nhập của người lao động ở làng nghề cao hơn nhiều so với thu nhập từ làm ruộng. Làng nghề phát triển đã giải quyết việc làm cho nông thôn; gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống; đặc biệt tạo ra bộ mặt đô thị hóa mới cho nông thôn để nông dân “ly nông bất ly hương” và làm giàu trên quê hương mình. Ngoài ra, các nghề truyền thống còn có một ý nghĩa khác là sử dụng được lao động già cả, khuyết tật… mà các khu vực kinh tế khác không thu nhận.

Đặc điểm chung của các làng nghề Việt Nam là thường nằm gần các khu đô thị lớn, có mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy, thuận lợi cho giao lưu, trao đổi hàng hoá. Đây chính là điều kiện thuận lợi để kết nối hoạt động du lịch với các làng nghề.... Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, theo xu hướng hiện nay, cần phải chủ động đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề: "Việc khai thác các làng nghề làm du lịch là xu thế tất yếu. Chúng tôi phát triển thêm những sản phẩm làng nghề phù hợp du lịch, giới thiệu trên mọi hình thức để du khách biết được những sản phẩm du lịch của làng nghề. Đặc biệt là kết nối với những hãng lữ hành quốc tế để xây dựng những điểm du lịch mới".

gom-3

Bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội)

Một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh...đã sớm có những đầu tư nhất định vào quy hoạch du lịch, xây dựng mô hình du lịch làng nghề. Du lịch làng gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng (Hà Nội) là tour du lịch kết hợp thương mại rất hấp dẫn du khách. Ông Lê Văn Quyết, giám đốc doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ Quyết Thắng, thuộc làng nghề Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội cho biết: "Làng nghề gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng thông qua họat động xúc tiến du lịch đã mang lại một số lượng khá nhiều khách quốc tế và trong nước, tìm đến làng nghề để tìm hiểu, tham quan, từ đó họ quảng bá qua kênh du lịch, làm cho lượng khách du lịch đến làng nghề Sơn Đồng tăng và tăng thu nhập cho làng nghề".

Người dân làng nghề cần được cung cấp kiến thức và kỹ năng làm du lịch, gắn kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành từ khâu hướng dẫn du khách tìm hiểu về sản xuất, sản phẩm của làng nghề; cho thuê cơ sở lưu trú tại nhà, thuyết minh cho khách về phong tục, tập quán của làng nghề; giới thiệu, mời khách những món ăn truyền thống, đặc sản địa phương.

sanphamlangnghe6

Cách tuyên truyền, giới thiệu về làng nghề, cùng với quảng bá sản phẩm tại chỗ dễ nhất là mỗi làng nghề cần chuẩn bị sẵn để cung cấp cho du khách một bản thuyết minh tường tận về lịch sử làng nghề cùng đặc thù của những sản phẩm trong làng nghề mình…Ông Trần Quân, nghệ nhân gỗ mỹ nghệ tại Bắc Ninh bày tỏ: "Mong muốn của các nghệ nhân chúng tôi là các nghệ nhân được đào tạo thêm về nghiệp vụ du lịch, phối hợp xúc tiến thương mại cho làng nghề với du lịch, ngoài sự hiếu khách của làng nghề mà có thêm văn hóa du lịch, ứng xử du lịch, kết hợp với tay nghề chuyên môn thì sẽ tốt hơn".

sanphamlangnghe7

Một hướng đi mới có tính thực tế cao đối với việc phát triển du lịch làng nghề cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến khích, đó là phát triển hình thức lưu trú homestay tại các làng nghề. Tức là khách du lịch có thể lựa chọn những nhà dân có điều kiện, thậm chí chính quyền huyện, xã đầu tư một số trang thiết bị thiết yếu để gia đình đó có thể đón khách lưu trú. Khách sẽ được hưởng trọn vẹn không gian của làng nghề, lại có điều kiện tìm hiểu nét văn hóa lịch sử, phong tục tập quán, nếp sống lao động của người dân. Chia sẻ quan điểm này, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng: "Khi khách du lịch đến thì phải có những điều kiện nhất định, hàng hóa phải phù hợp thị hiếu của người ta. Người làm thủ công mỹ nghệ cần có những thay đổi, tăng cường kiến thức, khả năng hợp tác mang những kiến thức, kinh nghiệp hòa nhập với quốc tế thì mới tiêu thụ được sản phẩm, mới thu hút họ đến được".

sanphamlangnghe10

Du khách nước ngoài thử làm sản phẩm ở làng nghề

Các cơ sở sản xuất ở làng nghề nếu liên kết lại với nhau để thành những cơ sở, những doanh nghiệp mạnh thì sẽ có lực để bước ra, tìm hiểu thị trường và theo sát được nhu cầu của thị trường. Các làng nghề cần có sự liên kết trong việc tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm; liên kết giữa các công đoạn sản xuất, như có doanh nghiệp chuyên đi mua nguyên liệu; có đơn vị khác chuyên làm sạch, tẩy nguyên liệu; có doanh nghiệp chuyên vận chuyển hoặc làm đầu mối tiêu thụ…Việc làm này giúp giảm bớt chi phí sản xuất rõ rệt so với từng cơ sở khi thực hiện riêng rẽ. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch lữ hành Thế hệ mới: “Giải pháp cho làng nghề là quy hoạch cụm, điểm công nghiệp cho làng nghề, lập đề án bảo tồn nghề truyền thống, quảng bá thương hiệu, đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của thị trường xuất khẩu, giữ gìn bản sắc văn hóa trong sản phẩm làng nghề”.

sanphamlangnghe4

Du khách đến với làng nghề.

Trong nỗ lực phát triển du lịch làng nghề, các sự kiện được tổ chức thường niên như Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống; Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam, Hội thi sản phẩm thủ công; Festival nghề truyền thống…cũng là những cơ hội góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề giới thiệu sản phẩm, thu hút thêm nhiều du khách đến với làng nghề.

Theo TH&CL

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang