Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới"

Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới"

Để nhằm góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các Đối tác liên quan tổ chức Diễn đàn Khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”.

Nguồn:Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp

Diễn đàn được tổ chức vào sáng ngày 25/9/2024, với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Diễn đàn là một trong những hoạt động khoa học được tổ chức thường niên của Viện Kinh tế Việt Nam, nhằm: tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam. Qua đó góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội đối với ngành/lĩnh vực và trong tạo động lực, huy động nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Những xu hướng này đang tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam. Việc xem xét, thảo luận các nội dung, chính sách và triển vọng của kinh tế tuần hoàn (KTTH) cũng như nhận diện những vấn đề, thách thức trong thời gian tới khi thực hiện KTTH là rất quan trọng.

Diễn đàn hôm nay được tổ chức nhằm thảo luận về các chính sách của Việt Nam về KTTH, về những vấn đề đang được xem là hạn chế, là điểm nghẽn đối với các chủ thể tham gia vào KTTH; từ đó, tìm kiếm giải pháp và kiến nghị chính sách thúc đẩy KTTH ở nước ta. Vì vậy, có thể nói Diễn đàn là một sự kiện rất có ý nghĩa cho quá trình cung cấp luận cứ khoa học xây dựng và hoàn thiện chính sách xanh hoá ở Việt Nam trong điều kiện mới.

Kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước ta coi thực hiện KTTH là một trong những nội dung quan trọng của định hướng phát triển. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội trong đó có phát triển kinh tế tuần hoàn như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho biết, Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về KTTH, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.

Qua hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng xanh hoá đã được ban hành cho thấy Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện KTTH, nhưng cũng còn nhiều nhiệm vụ cần giải quyết liên quan đến thiết kế, quy hoạch, phối hợp, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng như các vấn đề về xã hội và môi trường. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có nhiều chủ thể tham gia, trong đó không thể không nói đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, trung tâm giáo dục và đào tạo, trường đại học, người dân, cộng đồng xã hội….

Tại Diễn đàn, dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, các đại biểu tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm trong hai phiên: Phiên thứ nhất: tham luận chuyên đề mang tính chuyên biệt, chuyên sâu và Phiên thứ hai: trao đổi, thảo luận bàn tròn giữa chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hoạch định chính sách. Các vấn đề đã được nhận diện và được phân tích, mổ xẻ đa chiều để chắt lọc thành những đề xuất giải pháp chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh thời đại mới ở Việt Nam.

Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp của các quý đại biểu, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn để có báo cáo kiến nghị chính sách gửi đến Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang