"Cửa" nào cho dưa hấu Việt?

"Cửa" nào cho dưa hấu Việt?

Tới đây các loại rau quả trong đó có dưa hấu của Việt Nam xuất qua Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc và được đóng bao bì, là một thách thức lớn.


Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Thống kê năm 2017, sản lượng dưa hấu cả nước đạt 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêu thụ giữa thị trường trong nước và quốc tế là hết sức chênh lệch (trong nước 80% và xuất khẩu chỉ 20%), trong đó, lượng dưa hấu xuất khẩu chiếm tới trên 85% là qua Trung Quốc. Sự mất cân đối giữa tỉ trọng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước không chỉ liên tục dẫn tới những cuộc phải “giải cứu” dưa hấu trong những năm qua, mà còn lộ ra những bất cập lớn trong tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu loại trái cây này sang thị trường Trung Quốc - một nước vốn cũng trồng nhiều dưa hấu.

Xuất khẩu thêm khó

Dưa hấu ở Trung Quốc bước vào thu hoạch rộ, lập tức dưa hấu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị “thất sủng”. Giá dưa hấu đang đứng ở mức 8.000đ – 9.000đ/kg tuột xuống chỉ còn 4.500đ/kg.

Đây không phải là câu chuyện năm nay mới có. Những năm gần đây, tình trạng dưa hấu miền Trung ùn ùn đổ lên biên giới Lạng Sơn, gây ùn tắc nghiêm trọng mỗi khi tới kỳ thu hoạch chính vụ đã liên tiếp xảy ra.

Thông tin từ Thương hội xuất nhập khẩu hoa quả Bằng Tường (TP Bằng Tường, Trung Quốc cho biết, hiện Thương hội Bằng Tường là đơn vị dẫn đầu cả nước về xuất nhập khẩu nông sản, chiếm 51% trọng lượng xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc.

Bởi vậy, cơ hội xuất khẩu không chỉ dưa hấu mà nhiều loại nông sản của Việt Nam vẫn rất lớn. Năm 2017, xuất khẩu dưa hấu mang về hơn 95 triệu USD.

Tuy nhiên, để xuất khẩu suôn sẻ, yêu cầu về chất lượng, xuất xứ với nông sản nói chung và dưa hấu nói riêng ngày càng cao. Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng thắt chặt bởi các rào cản về chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc xuất xứ…

Cụ thể, từ ngày 1/4, phía Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam. Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng quy trình sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo đủ yêu cầu về sản phẩm của nước nhập khẩu.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản số 1311/VP-KTTH gửi các ngành chức năng của tỉnh về tình hình triển khai khuyến cáo phía Quảng Tây, Trung Quốc tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất nhập khẩu.

Theo đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì phối hợp với Cục Hải quan thực hiện niêm yết khuyến cáo thông tin tại các khu vực cửa khẩu để doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xuất khẩu hoa quả biết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII hướng dẫn các doanh nghiệp, thương nhân về thủ tục, cách thức thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu theo quy định của phía Trung Quốc.

Cửa nào cho dưa hấu Việt?

Tại một hội nghị lớn do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức mới đây bàn về tiêu thụ dưa hấu, các DN Trung Quốc có mặt tại hội nghị này cho biết, sở dĩ dưa hấu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế về số lượng bởi:

Thứ nhất là việc tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Cụ thể, người Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa hấu vừa phải, với trọng lượng từ khoảng 3 - 4 kg/quả. Trong khi đó, hầu hết dưa hấu Quảng Ngãi là các giống dưa thường có trọng lượng quá lớn, gấp từ 1,5 - 2,5 lần.

Thứ hai, mùa dưa hấu tại Trung Quốc cũng kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 8, 9 hàng năm, lệch vụ không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam nên việc nhập khẩu tương đối hạn chế. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất dưa hấu tại Việt Nam cần phải lệch vụ theo hướng sớm hơn hoặc muộn hơn so với vụ chính của Trung Quốc.

Thứ ba, khâu bảo quản, sơ chế đóng gói của các cơ sở thu mua, xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam cũng đang hết sức sơ sài.

Còn theo ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc chưa hình thành được các tổ chức hợp tác sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ một cách bền vững, có liên kết chặt chẽ đã khiến nông dân trồng dưa hấu một cách tự phát, đa phần sản xuất nhưng chưa xác định được thị trường cả về số lượng, chất lượng và chủng loại sản phẩm.

"Vì vậy, đã đến lúc các bên, gồm nông dân, HTX, doanh nghiệp xuất khẩu và cả các nhà nhập khẩu dưa hấu phía Trung Quốc phải cùng nhau ngồi lại, bàn bạc về kế hoạch liên kết sản xuất dưa hấu và các loại nông sản khác một cách bài bản, có kế hoạch hơn, tránh tình trạng tự phát và ùn tắc lặp lại trong năm 2018.", ông Bình đề xuất.

Ông Nguyễn Tiến Lãng, cán bộ Cty TNHH Thương mại Trang Nông (Khánh Hòa) thì cho biết, từ trước đến nay dưa hấu được thương lái đưa vào thị trường Trung Quốc theo kiểu ai mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, chưa có tổ chức nào đứng ra kết nối. Do vậy, phía Việt Nam cần phải có những doanh nghiệp đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ với thị trường Trung Quốc. Có như vậy con đường xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc mới được hanh thông.

Theo các chuyên gia, trước yêu cầu của Trung Quốc về chứng nhận xuất xứ của dưa hấu nhập khẩu vào thị trường nước này, nông dân cần thay đổi tư duy canh tác để tránh tình trạng “tự mình hại mình”. Điều mấu chốt nhất trong quy trình sản xuất là phải tránh lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc kích thích. Điều đặc biệt cần tuân thủ là phải dừng dùng thuốc BVTV cho ruộng dưa ít nhất là 10 ngày trước khi thu hoạch, để dưa được đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, có như vậy dưa hấu của Việt Nam mới “trụ” được tại thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc.

Theo enternews

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang