Thương hiệu là tài sản vô hình, có giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Đã có nhiều doanh nghiệp được định giá rất cao khi xây dựng được thương hiệu trong tâm trí khách hàng, chẳng hạn như Apple, Amazon, Google...
Theo Hãng Tư vấn định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh Brand Finance, Amazon đứng đầu bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2018 với 150,8 tỷ USD. Apple xếp vị trí thứ hai với giá trị thương hiệu là 146,3 tỷ USD, còn thương hiệu của Google xếp vị trí thứ ba, có giá trị 120,9 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với GDP của một quốc gia trên thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, trong thị trường ngày càng "mở" và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, thương hiệu trở thành yếu tố tiên quyết giúp sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, giúp khách hàng nhận diện được doanh nghiệp cũng như mở lối cho việc chinh phục những thị trường mới trong khu vực cũng như trên thế giới.
Vì thế, đầu tư vào thương hiệu là việc các doanh nghiệp Việt Nam cần đặt lên hàng đầu.Trong đó, sự bảo chứng của những giải thưởng thương hiệu danh tiếng thế giới là một trong những cách phát triển uy tín thương hiệu cho doanh nghiệp đang được một số doanh nghiệp Việt Nam như An Phước, Thành Thành Công... áp dụng.
Cuối năm 2017, An Phước là thương hiệu duy nhất trong ngành may Việt Nam được Tổ chức Thương hiệu Châu Á - Thái Bình Dương (The Asia Pacific Brands Foundation) trao giải thưởng Thương hiệu xuất sắc thế giới (BrandLaureate Special Edition World Awards 2017). Ra đời cách nay 25 năm và trong quá trình xây dựng An Phước, vợ chồng bà Nguyễn Thị Điền đã trải qua không ít truân chuyên.
Và nỗ lực không ngừng nghỉ của hai người đam mê nghề đã giúp An Phước có được chỗ đứng vững chắc trong tâm trí khách hàng. Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn về niềm vui này, bà Nguyễn Thị Điền - Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan An Phước cho rằng, giải thưởng là sự ghi nhận về giá trị và uy tín của thương hiệu An Phước, sự tín nhiệm và tin chọn của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của Công ty.
Đây cũng là sự công nhận của tổ chức uy tín thế giới đối với những nỗ lực của An Phước trong việc mở rộng quy mô, đẩy mạnh hoạt động với chuỗi sản phẩm - dịch vụ chất lượng, phát triển thương hiệu theo các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới.
Sự nỗ lực của vợ chồng bà trong việc xây dựng, phát triển và giữ gìn thương hiệu Việt đã được nhìn nhận, giúp tăng sự nhận biết về An Phước từ cả cộng đồng kinh doanh lẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ đây, con đường đưa các sản phẩm mang thương hiệu An Phước ra nước ngoài càng rộng mở.
Giá trị thương hiệu - tài sản vô hình của doanh nghiệp đã được chứng minh qua thực tế của các doanh nghiệp, tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này. Theo các chuyên gia thương hiệu, ở nhiều doanh nghiệp, nhận thức về quản trị thương hiệu vẫn chưa được chú trọng đầu tư mà chỉ dừng ở việc định vị, xác định cấu trúc thương hiệu và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu.
Chia sẻ tại Hội thảo Quản trị thương hiệu hướng tới tương lai cách nay chưa lâu, PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng khoa Quản trị thương hiệu, Trường Đại học Thương mại nhận định, doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ về thương hiệu, phần đông doanh nghiệp cho rằng thương hiệu đơn giản chỉ là những dấu hiệu riêng để nhận biết doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp ít quan tâm đến hoạt động quản trị thương hiệu.
Một số doanh nghiệp còn lúng túng và mất quá nhiều thời gian cho việc xác lập bộ nhận diện thương hiệu và bảo hộ cho thương hiệu. PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh dẫn số liệu khảo sát do nhóm nghiên cứu độc lập về thương hiệu trong thời gian từ tháng 6 - 10/2017 với 115 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam về vấn đề này cho biết, có đến 73% doanh nghiệp có thâm niên hoạt động 10 năm nhưng việc xây dựng thương hiệu cũng chỉ tập trung vào hệ thống nhận diện thương hiệu.
Theo các chuyên gia, do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của thương hiệu nên phần đông doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới quan tâm đến việc tìm kiếm lợi nhuận trước mắt mà ít đầu tư xây dựng thương hiệu. Số doanh nghiệp khác có quan tâm nhưng vì hạn chế về tài chính nên việc đầu tư cũng chỉ qua loa. Đây là những điểm bất lợi cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Bởi hiện nay, đa phần người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ dựa theo thương hiệu.
Xu thế hội nhập sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài có tiềm năng tài chính, kinh nghiệm về quản trị, đột phá về công nghệ đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc xây dựng thương hiệu. Muốn có được thương hiệu trong tâm trí khách hàng, doanh nghiệp Việt phải có sự chuẩn bị ngay từ những ngày đầu thành lập.
Không phải chờ đến khi doanh nghiệp lớn mạnh mới quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, mà phải chú trọng từ những ngày đầu, song song với quá trình phát triển của doanh nghiệp. Bởi, xây dựng thương hiệu chính là tìm mọi cách để tạo dựng hình ảnh tốt đẹp trong tâm trí khách hàng, và mỗi doanh nghiệp cần tạo dựng một hình ảnh tốt đẹp về sản phẩm của mình trong nhóm khách hàng mục tiêu.
Dưới góc độ một doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu, bà Nguyễn Thị Điền cho rằng, thương hiệu Việt muốn tồn tại và phát triển thì phải xây dựng chiến lược bài bản, nhanh chóng thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong nước, nếu không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài tại các thành phố lớn, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam nên đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Theo DNSG
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI