Chiều nay (ngày 30/5), Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Ban Kinh tế TW tổ chức Hội thảo “Đổi mới Doanh nghiệp nhà nước và Phát triển kinh tế tư nhân”.
|
Hội thảo "Đổi mới DNNN và phát triển kinh tế tư nhân" (Ảnh: Hoàng Kiều) |
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là định hướng chính sách và phát triển doanh nghiệp tư nhân. PGS.TS Hồ Sỹ Hùng – Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư) nhấn mạnh: “Doanh nghiệp tư nhân mới chỉ có điểm nổi trội là giải quyết được việc làm”.
Tỷ suất sinh lời cùng quy mô của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) vẫn còn thấp. Việc đầu tư vào công nghệ, kỹ thuật thấp, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư máy móc. Ông Hồ Sỹ Hùng đưa ra các rào cản hạn chế đối với khu vực DNTN.
Thứ nhất là về thủ tục hành chính gồm: chưa có sự thống nhất giữa các luật, tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, thủ tục cấp phép tài nguyên, các vấn đề về thuế…
Thứ hai, rào cản về việc chi phí kinh doanh cao làm giảm khả năng cạnh tranh: chí phí logistics, tiền lương, bảo hiểm và đặc biệt các chi phi phí không chính thức vẫn là gánh nặng nợ lớn.
Cuối cùng là vấn đề tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng, thị trường và các cơ hội đầu tư và công tác thanh kiểm tra, kiểm toán còn nhiều bất cập.
Đưa ra góc nhìn khác về hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra mô hình để chuẩn đoán các điểm nghẽn của việc phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó, điểm nghẽ cấp bách hiện nay gồm 2 vấn đề là lợi tức kinh tế thấp và chi phí tài chính cao. Về lợi tức đầu tư xã hội thấp bao gồm các vấn đề về vốn con người kém hiệu quả, hạ tầng yếu kém.
Còn khả năng tạo ra lợi tức thấp là từ thất bại của thị trường cũng như thất bại của nhà nước về các rủi ro vi mô (chính sách đất đai, thực thi hợp đồng, thuế, lao động, cấp phép kinh doanh), rủi ro vĩ mô (chính sách tiền tệ, tài khóa) và bộ máy hành chính kém hiệu quả.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng đưa ra kiến nghị về chính sách, trước mắt là tập trung xử lý 3 điểm nghẽn trước mắt về đất đai, hệ thống tài chính và bộ máy hành chính.
Đồng thời, TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả với các điểm nghẽn trung hạn về lạm phát, tỷ giá, lãi suất cùng các chính sách lao động, hiệu quả thực thi hợp đồng.
Ông cũng cho biết thêm cần đẩy mạnh 4 đột phá với điểm nghẽn dài hạn về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và thể chế (môi trường cạnh tranh) và khoa học công nghệ.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng