Như bao sinh viên khác, Alfredo Salkeld dự định tìm một công việc ổn định, cụ thể là nhân viên của một agency quảng cáo, sau khi tốt nghiệp hồi tháng 12/2016. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, mọi thứ không suôn sẻ như dự định của chàng trai trẻ.
“Tôi nghĩ rằng nếu hỏi các cử nhân vừa tốt nghiệp đại học gần đây, họ đều sẽ nói với bạn rằng việc tìm kiếm công việc ổn định và sống cuộc sống của một người trưởng thành mới kinh khủng làm sao” – Alfredo chia sẻ. “Tôi mong muốn khám phá những nền văn hóa khác đang tồn tại ra sao, thế là tôi cho vài bộ quần áo vào ba lô, mang theo bộ đồ nghề chụp ảnh và mua một chiếc vé một chiều bay đến Lào”.
Sau đó, Alfredo chọn tiếp tục bay đến Việt Nam sau khi visa của anh hết hạn. Trong chuyến hành trình này, định mệnh đã đưa chàng trai trẻ đam mê khám phá đến với Tho Homestay ở bản Nà Ràng (xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần). Tại đó, anh có dịp gặp gỡ chàng trai trẻ Hoàng Đức Trung – cũng chính là người sáng lập của homestay này. Trung đang tìm một người chụp ảnh để quảng bá cho công việc kinh doanh của mình. Vốn là một người có tay nghề chụp ảnh khá, thế là Alfredo nhận ngay cơ hội này.
Trung chia sẻ với Alfredo về việc anh xây dựng homestay để bảo tồn nền văn hóa có nguy cơ bị mai một của người dân tộc Tày. Thông qua Trung, chàng trai ngoại quốc đã cảm nhận được nét đẹp của cộng đồng dân tộc thiếu số nói riêng và Việt Nam nói chung. Tất cả được thể hiện bằng câu chuyện qua 14 bức ảnh được Alfredo chụp trong suốt 3 tuần ở tại Tho Homestay.
Người dân bản Nà Ràng chủ yếu là người dân tộc Tày. Truyền thống và tập quán của tộc người này đang có nguy cơ bị mai một vì thế hệ trẻ bỏ bản đi, tìm kiếm cơ hội ở các đô thị.
Điện chỉ mới về bản trong thời gian gần đây.
Alfredo vô tình gặp Tho Homestay thuộc bản Nà Ràng trong một chuyến workaway. Chương trình workaway giúp các du khách với kinh phí du lịch thấp tìm kiếm cơ hội làm việc tình nguyện đổi lấy thức ăn và chỗ ở.
Bên ngoài Tho Homestay.
Được biết, Tho Homestay là ý tưởng của một chàng trai 21 tuổi có tên Hoàng Đức Trung, như một nỗ lực để cứu lấy bản sắc văn hóa của người Tày.
Trung (phải) cùng bạn gái.
Theo đó, Trung rời bản Nà Ràng để học tiếng Anh, sau đó trở về và bắt đầu tận dụng ngôi nhà của ông bà ngoại để làm homestay với hi vọng thu hút thêm khách du lịch, đồng thời bảo tồn phong tục tập quán của con người ở nơi đây. Trước những chia sẻ đầy cảm hứng của Trung, Alfredo như đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nhà sàn truyền thống có cửa sổ trông thẳng ra cánh đồng lúa xanh mướt.
“Tôi đi bụi chỉ vì không biết mình muốn làm gì với cuộc đời mình cả. Trong khi Trung trở về vì cậu ấy có một hướng đi, tầm nhìn rõ ràng trong việc giúp cộng đồng của cậu ấy” – Alfredo chia sẻ.
Nhà ở truyền thống của người Tày không ngăn phòng mà chỉ có một gian rộng, được sử dụng như phòng ngủ, phòng ăn và phòng khách.
Đây là ông Tho - ông ngoại của Trung. Không nói được tiếng Anh nhưng tiếng sáo trúc của ông dễ làm say đắm lòng người.
Còn bà của Trung – bà Cong – dùng dao cắt gọt tre thành hàng rào, đế nến, thậm chí cả tăm xỉa răng.
“Cuộc sống ở đây trôi qua chậm hơn, nhưng không bao giờ thiếu việc để làm” – Alfredo nói.
Bà Cong trong vườn nhà.
Người dân ở đây trồng trà, bạc hà, sắn, dâu tằm, cà tím, lúa gạo và một vài loại rau củ khác mà Alfredo không biết gọi tên trong tiếng Anh. “Nói rằng đời sống ở đây thật thanh đạm thì quả là thừa thãi. Thực phẩm được lấy từ vườn nhà. Còn đồng hồ báo thức thì là những chú gà trống. Thác nước thì không cần phải trả tiền để vào hay đông nghẹt người. Buổi tối chỉ có tiếng mưa, tiếng chim và côn trùng mà thôi” – Alfredo chia sẻ những trải nghiệm mà anh chưa từng có bao giờ.
Bữa cơm gia đình.
Công việc đồng áng.
Thiên nhiên còn hoang dã bao quanh bản.
Được biết, Trung từng làm hướng dẫn viên du lịch trước khi trở về Nà Ràng. Vì thế, anh biết rõ những cung đường leo núi, đi bộ trekking và đường đến thác nước.
Ngoài ra, Tho Homestay không chỉ mộc mạc mà còn có giá rất phải chăng. Giá một đêm ở lại homestay, bao gồm bữa sáng, là 80.000 đồng. Bữa trưa và bữa tối, mỗi bữa có giá 50.000 đồng. Trong khoảng thời gian ở đây, Alfredo dành phần lớn thời gian cho việc thiền và cảm nhận tiếng nói, hơi thơ của thiên nhiên.
Vườn trà ngay bên ngoài ngôi nhà.
Ruộng bậc thang.
“Việc là du khách duy nhất ở đây làm tôi cảm thấy tôi không còn là du khách nữa. Tôi luôn cảm thấy bình yên khi ở Nà Ràng và cảm giác như mình có một gia đình thứ hai để tôi có thể quay trở về” - Alfredo bùi ngùi trải lòng.
Trung nấu ăn cùng người bác.
Alfredo còn hài hước chia sẻ: “Tôi dám thề rằng ngay cả những con côn trùng ở Nà Ràng cũng tử tế hơn nữa. Tôi chỉ bị vài vết muỗi chích khi ở đây thôi”.
Xu hướng của thế hệ công dân toàn cầu - tức những người trẻ - ngày nay là đi xa, vươn ra thế giới để học hỏi và tìm thấy chính mình. Nhưng với Hoàng Đức Trung - một chàng trai 21 tuổi người Tày - thì đi xa là để trở về. Không nỡ đứng khoanh tay nhìn cái nôi văn hóa đã nuôi nấng mình thành người biến mất đi, chàng trai trẻ không ngại bỏ đi để học hỏi, tích lũy cũng như làm rõ hơn tầm nhìn của mình, để rồi ngày trở về, anh biết phải hành động như thế nào để giúp đỡ cộng đồng mình.
Hãy cứ đi lang bạt bốn phương nhưng cũng đừng quên học hỏi, quan sát, trải nghiệm, cho đến khi bạn biết mình là ai và mình muốn gì. Chớ đi mãi, tận hưởng mãi mà quên mất rằng tuổi xuân của con người vốn có hạn.
Theo TT&VH
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI