“Chúng ta đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm, mà giờ đây DN phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững”, PGS.TS.Lê Xuân Đình – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và dự báo phát biểu tại Hội nghị DN thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh do tạp chí tổ chức ngày 22/5/2018. Tăng trưởng xanh, thực hiện tốt an sinh xã hội đang là xu thế chung của DN.
Cũng có chung quan điểm như vậy, ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội cho rằng. DN thực hiện tốt an sinh xã hội sẽ góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển bền vững, thúc đẩy DN thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng...
Số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây tại 50 DN thuộc hai ngành dệt may và da giầy đã khẳng định, nhờ thực hiện các chương trình “trách nhiệm xã hội của DN”, trong đó có an sinh xã hội mà doanh thu của các DN này tăng 25%, năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các DN còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao…
Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít DN chưa ý thức được vấn đề này. Biểu hiện rõ nhất của hiện tượng DN chưa xác định đúng về tầm quan trọng của việc thực hiện trách nhiệm xã hội đó là tình trạng DN nợ BHXH, nợ đọng lương đã trở nên báo động. Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 31/11/2017, tổng số tiền nợ BHXH là gần 13,1 nghìn tỷ đồng. Tình trạng này làm cản trở quá trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội.
Chỉ ra 2 nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức hoặc khó khăn về tài chính của bản thân các DN, ông Hồi nhấn mạnh, việc tăng cường sự tham gia của chủ thể DN vào quá trình thực hiện an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu nhằm xây dựng và thực hiện hệ thống an sinh của Việt Nam ngày càng tốt hơn, bao phủ rộng hơn, hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị, thực tiễn thực hiện và hiệu quả mà DN đạt được khi thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và tăng trưởng xanh đã được các DN như Traphaco, Unilever, VinaCapital… chia sẻ. Nhiều đề xuất về giải pháp cũng đã được đề cập đến, trong đó giải pháp đầu tiên được đề cập đến và thống nhất cao là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp quản lý, DN, người lao động. Thứ hai là cần hoàn thiện thể chế và các chính sách cho phù hợp như chính sách về lương, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ DN…
Thực hiện an sinh xã hội là một nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của DN. Theo Hội đồng Thương mại thế giới thì “trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội của DN là sự cam kết trong việc ứng xử hợp đạo lý và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung”.
Theo TBNH