Các doanh nghiệp thương mại điện tử vượt khó bằng cách nào?

Các doanh nghiệp thương mại điện tử vượt khó bằng cách nào?

Với tốc độ tăng trưởng 22%/năm, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Tuy nhiên, thị trường TMĐT Việt Nam là một “miếng bánh” không dễ ăn.


Báo cáo mới được công bố của Công ty cổ phần VNG cho thấy khoản đầu tư của VNG vào Tiki chịu lỗ 125 tỷ đồng trong năm 2017. Bắt đầu rót vốn từ năm 2016, VNG đã đầu 384 tỷ đồng vào Tiki và sở hữu 38% cổ phần của doanh nghiệp này. Và cũng trong năm này, VNG đã chịu lỗ 93 tỷ đồng với khoản đầu tư này. Như vậy, VNG đang tạm lỗ gần 220 tỷ đồng từ khi đầu tư vào Tiki.

Trong khi đó, nhà phát triển game và kinh doanh thương mại điện tử SEA – công ty mẹ của Shopee - vừa công bố mức thua lỗ lớn. Cụ thể công ty có trụ sở tại Singapore – đơn vị nhận đầu tư từ Tencent Holdings chứng kiến mức thua lỗ tăng đáng kể trong quý thứ 4/2017 do chi tiêu cho quảng cáo nhằm đẩy mạnh mảng thương mại điện tử mà chủ yếu là trang mua sắm Shopee. Theo đó, mức thua lỗ trong quý thứ 4 của doanh nghiệp này đã lên tới 135 triệu USD.

"Cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thương mại điện tử do sự xuất hiện của những tập đoàn lớn trên toàn cầu có thể buộc các doanh nghiệp TMĐT phải tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông, marketing, từ đó làm tăng chi phí hoạt động, dẫn tới thua lỗ kéo dài của các doanh nghiệp này", một chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley cho biết.

Thị trường TMĐT Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng với tốc độ tăng trưởng và quy mô không ngừng tăng. Hãng nghiên cứu và tư vấn Frost and Sullivan cũng từng dự báo quy mô thị trường Việt Nam sẽ tăng từ 1,7 tỷ USD năm 2016 lên 3,7 tỷ USD vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng 45%/năm. Tháng 11/2017, tại Diễn đàn toàn cảnh TMĐT Việt Nam, các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng năm lên đến 22%. Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới.

Mặc dù thị trường tiềm năng như vậy, nhưng những khoản thua lỗ của các doanh nghiệp kể trên cho thấy các doanh nghiệp TMĐT đang hoạt động gần như không có lãi. Chính vì vậy, để có thể duy trì và phát triển mạnh hoạt động cho các trang TMĐT, các doanh nghiệp TMĐT trong nước cần phải tranh thủ cơ hội hợp tác hay mua bán và sáp nhập (M&A) với doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Top sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam theo thống kê của iPrice tính đến Quý 4/2017.

Top sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam theo thống kê của iPrice tính đến Quý 4/2017.

Theo thống kê của iPrice, đến hết quý 4/2017, top sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam là Lazada đứng thứ nhất, Shopee đứng thứ 4 và Tiki đứng thứ 5. Trong năm 2017, đã có 21 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực TMĐT được thực hiện với tổng giá trị 83 triệu USD. Trong đó, riêng Tiki đã nhận khoản vốn đầu tư vòng Series C lên tới 54 triệu USD từ nhà đầu tư JD.com và STC Investment.

Chủ tịch JD.com cho biết, Việt Nam là điểm nhấn quan trọng của JD.com trong khu vực Đông Nam Á, nơi cả Alibaba và Amazon đều đã thực hiện những khoản đầu tư chiến lược vào đây. JD.com sẽ tham gia hỗ trợ Tiki về mảng nhà kho, hệ thống giao hàng cũng như công nghệ và thanh toán.

Trong khi đó, Lazada với trợ lực từ nhà bán lẻ hàng đầu Trung Quốc là Alibaba với khoản đầu tư lên đến 1 tỷ USD nhằm nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83% tại Lazada.

Theo enternews

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang