Cần xóa bỏ tư duy 'con đẻ, con nuôi' giữa các thành phần kinh tế

Cần xóa bỏ tư duy 'con đẻ, con nuôi' giữa các thành phần kinh tế

Muốn doanh nghiệp Việt Nam trở thành một lực lượng hùng mạnh và thống nhất, chúng ta cần thay đổi tư duy về khái niệm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, đây là tư duy “con đẻ và con nuôi”.


Trong khuôn khổ Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân” vừa được tổ chức chiều 30/5, giới chuyên gia đã nhận định đúng những rào cản chính kéo chậm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong cơ cấu lại nền kinh tế, tạo thu ngân sách nhà nước, tỷ trọng GDP khu vực kinh tế tư nhân bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39 – 40%, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đang có xu hướng giảm.

Các chuyên gia, diễn giả tại Hội thảo 

Vẫn còn rào cản

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất, nên tìm ra những nguyên nhân cụ thể và chi tiết làm tăng chi phí của doanh nghiệp bao gồm cả chi phí chính thức và phi chính thức. Đây cũng là một trong những rào cản lớn khiến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân không cao. 

Nhiều chuyên gia tại Hội thảo thẳng thắn nhận định, năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn yếu, trong đó kinh tế hộ, cá thể chậm đổi mới; thiếu khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác cũng như tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất trong nước cũng như toàn cầu chưa sâu.

PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra vấn đề nhận thức là nguyên nhân chính khiến cho kinh tế tư nhân mặc dù đã giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động nhưng vẫn không thể lớn được. Những rào cản được các chuyên gia chỉ ra tiếp theo đó là thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, chi phí của nền kinh tế, tiếp cận thị trường...


Toàn cảnh Hội thảo. 

Giải pháp ưu tiên

TS. Cấn Văn Lực cho rằng: "Hiện nay có rất nhiều điểm nghẽn trong sự phát triển của kinh tế tư nhân và chúng ta không thể giải quyết nhiều vấn đề trong cùng một lúc mà cần xác định đâu là rào cản cần phải được ưu tiên giải quyết trước và những rào cản nào sẽ giải quyết ở mức trung hạn và dài hạn.

Tôi cho rằng, rào cản về chi phí không chính thức của doanh nghiệp cần phải được giải quyết trước tiên, bởi đó là “hòn đá” làm cho kinh tế tư nhân thiếu khả năng cạnh tranh so với các thành phần kinh tế khác của Việt Nam, chưa nói đến khả năng cạnh tranh giữa khu vực và thế giới."

Ông Lực cũng đề xuất, phải thực hiện tốt Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời phải cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Bởi theo ông, hoạt động chưa hiệu quả của bộ máy hành chính là nguyên nhân dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng cao.  

Nhiều chuyên gia tại Hội thảo cũng nhận định, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ cấp thiết của nền kinh tế hiện nay, nhằm thắt chặt trục liên kết giữa các khu vực kinh tế tư nhân, khu vực nhà nước và khối doanh nghiệp FDI.

Một số ý kiến khác chô rằng, muốn doanh nghiệp Việt Nam trở thành một lực lượng hùng mạnh và thống nhất, chúng ta cần thay đổi tư duy về khái niệm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, đây là tư duy “con đẻ và con nuôi”. Có như vậy, khoảng cách giữa hai thành phần kinh tế mới có thể thu hẹp, tạo thành một lực lượng thống nhất và phát huy tối đa vai trò của nền kinh tế, kéo theo sự tăng lên của môi trường cạnh tranh và đầu tư.

Theo Enternews

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang