Hiện đã có nhiều doanh nghiệp, ngân hàng triển khai ứng dụng QR Code nhằm đa dạng phương thức thanh toán không tiền mặt cho người dân, trong nhiều lĩnh vực, từ những đồ dùng, dịch vụ thiết yếu đến mua vé máy bay.
Hành khách mua vé máy bay không dùng tiền mặt
Tại Việt Nam, dù khuyến mại và giá rẻ vẫn là 2 chiêu thức đầy uy lực thu hút khách hàng, nhưng với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, giới bán lẻ và dịch vụ đang bắt đầu nhận ra sự nổi lên của 2 “chìa khóa” mới, là tính đa dạng và tiện lợi. Việc xây dựng 1 hệ thống thanh toán đa lợi ích đang là mục tiêu của các doanh nghiệp, vừa như 1 giải pháp để cạnh tranh, vừa để thỏa mãn thói quen tiêu dùng của người Việt hiện đại. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng, hàng loạt cửa hàng tiện lợi, minishop của hơn chục thương hiệu trong và ngoài nước đang mọc lên như nấm sau mưa. Thậm chí, một nhà bán lẻ thiết bị công nghệ hàng đầu cũng lập chuỗi bán tạp hóa.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng hiện đại đang dần ưu tiên sự thuận tiện, sẵn sàng chấp nhận giá đắt đỏ hơn một chút so với các phương thức kinh doanh, thanh toán cũ. Nghiên cứu What’s next in Emerging Markets 2018 cho biết, đến năm 2025, 49% dân số Việt Nam sẽ sống ở đô thị. Tỷ lệ gia đình có thu nhập cao sẽ tăng từ mức 17% vào năm 2015 lên mức 24,7%. Đặc biệt, người tiêu dùng kết nối - nhóm người dùng sành kỹ thuật số - sẽ đóng góp một nửa tổng chi tiêu tiêu dùng, với 119 tỷ USD. Những con số này có nghĩa, tính đa dạng và tiện nghi trong cung ứng hàng hóa dịch vụ, cùng với loại hình thương mại điện tử sẽ có tiềm năng vô cùng to lớn để phát triển. Cùng với đó, một sức ép khác đang buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đa dạng hóa trong lựa chọn và tối ưu hóa tiện lợi khi trải nghiệm chi tiêu chính là thị trường xuyên biên giới của Đông Nam Á. Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực, cùng với mức độ thâm nhập cao của Internet đang tạo 600 triệu người dùng không biên giới (Borderless Consumer). Khi ấy, người làm tốt là người thắng được cả thị trường khu vực. Còn người chuẩn bị kém thì sẽ thua không chỉ bởi đối thủ trong sân nhà Việt Nam.
Đơn cử như lĩnh vực hàng không, chất lượng phục vụ tầm vóc quốc tế cũng chỉ mới là một nửa mà nhiều người đã biết đến trong cuộc đua mới. Phần còn lại, đang chiếm không ít tâm huyết của các hãng bay chính là xây dựng một hệ thống thanh toán tiện lợi, đa dạng nhưng phải mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đã nhận rõ xu thế này và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa chất lượng dịch vụ cũng như mang đến khách hàng sự tiện lợi, nhanh chóng trong nhịp sống hiện đại. Cụ thể, hãng đã và đang tiếp tục mở rộng hệ thống bán vé, đa dạng kênh thanh toán thương mại điện tử bằng cách kết hợp với các bên thứ 3, tạo ưu đãi tiện ích cho người dùng. Đầu tiên, Vietnam Airlines hợp tác với VNPay và Napas để triển khai hình thức thanh toán QR Code. Với kênh thanh toán này, người tiêu dùng không cần mất thời gian chuyển đổi nhiều màn hình giao diện và đắn đo chọn cách thanh toán. Chỉ việc sử dụng smart phone, họ có thể đặt vé và thanh toán đơn giản như mua một chiếc vé xem phim.
Với Vietnam Airlines, cách làm này giúp tăng kênh tiếp cận khách hàng tiềm năng. Trong khi đó, các đơn vị ví điện tử cũng có cơ hội đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Tiếp thị và Bán sản phẩm của Vietnam Airlines, cho biết trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ của ngành hàng không, chiến lược “Một hệ thống - Đa lợi ích” trong giao dịch không chỉ mang đến sự hài lòng tối đa cho khách hàng mà còn là cơ hội để Vietnam Airlines tiết kiệm nguồn lực đầu tư trong khi vẫn mở rộng được các kênh tiếp cận khách hàng. Đây còn là một hướng đi “win-win-win”, người chiến thắng thứ 3 chính là đối tác của Vietnam Airlines. Với phương thức này, không chỉ hãng bay đa dạng được kênh giao tiếp khách hàng mà đối tác cũng đang tăng thêm cơ hội giữ chân người dùng nhờ đa dạng hóa trải nghiệm/dịch vụ.
Theo SGGP