Nhiều trung tâm thương mại lớn ở Đông Nam Á lên sàn thương mại điện tử do COVID-19

Nhiều trung tâm thương mại lớn ở Đông Nam Á lên sàn thương mại điện tử do COVID-19

Đây là lần đầu tiên toàn bộ một trung tâm thương mại ở Đông Nam Á xuất hiện trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.


Dưới tác động của đại dịch COVID-19, hàng nghìn nhà bán lẻ ở Đông Nam Á đang gấp rút hoàn thiện cửa hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn để thích ứng với "bình thường mới". Thậm chí, các trung tâm thương mại lớn cũng sẽ sớm hiện diện trên môi trường Internet.

Nhiều trung tâm thương mại lớn ở Đông Nam Á dịch chuyển lên sàn TMĐT do COVID-19 - Ảnh 1.

Marina Square Shopping Mall, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Singapore. Ảnh: Real Commercial

Trung tâm thương mại Marina Square Shopping Mall, một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của Singapore, đang triển khai đưa hơn 30 đối tác thuê không gian bán hàng lên sàn thương mại điện tử Lazada (hiện diện của Alibaba tại Đông Nam Á). Đây là lần đầu tiên một trung tâm thương mại ở Singapore tạo một "bản sao" mini trên mạng.

"Đây là một ý tưởng mới ở Singapore", ông James Chang, giám đốc Lazada Singapore, chia sẻ với Bloomberg. Theo ông Chang, nhìn từ quan điểm của một trung tâm thương mại, động thái nói trên có thể xem là cạnh tranh song hai bên đã đạt đến thỏa thuận trên quan điểm nâng cao nhận diện của các đơn vị bán lẻ và trung tâm thương mại truyền thống.

Lệnh phong tỏa vì COVID-19 đang mang lại những tác động tiêu cực khủng khiếp với ngành bán lẻ. Ở Mỹ, hơn 110 công ty đã đệ đơn phá sản trong năm nay, bao gồm cả những cái tên như J.C. Penney Co., Neiman Marcus Group Inc. hay J. Crew Group Inc.

Ở Singapore, doanh số bán lẻ giảm 52,1% trong tháng 5 so với cùng kì năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi quốc đảo bắt đầu theo dõi số liệu vào năm 1986. Lệnh phong tỏa khiến nhiều hoạt động kinh doanh đình trệ và chi tiêu giảm sút dẫn tới kinh tế của Singapore rơi vào suy thoái trong quí gần nhất.

Cùng thời điểm, các nhà bán lẻ ở Đông Nam Á đang thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới. Ngành thương mại điện tử trong khu vực còn khá non trẻ và có tốc độ trưởng nhanh so với các thị trường chín muồi như Mỹ nơi các trung tâm thương mại đã "vật vã" cạnh tranh với hoạt động bán lẻ trực tuyến trong nhiều năm.

Với Lazada, Marina Square tìm "điểm cân bằng giữa các cơ hội bán hàng trực tuyến và trực tiếp", ông Lim Hock San, CEO Marina Centre Holdings Pte, chia sẻ. Ông hi vọng thỏa thuận với Lazada sẽ giúp những thương hiệu đang thuê không gian bán hàng ở đây hưởng lợi, nhất là về phương diện nâng cao nhận diện thương hiệu.

Bloomberg cho biết rất nhiều thương hiệu Marina Square hỗ trợ chưa từng xuất hiện trên các sàn TMĐT. Trung tâm thương mại cũng tặng các voucher mua sắm dùng trong trung tâm thương mại truyền thông để thu hút lại khách hàng.

Những giải pháp Marina Square thực hiện có nhiều điểm tương đồng với Siam Center, một trung tâm mua sắm lớn ở Bangkok, Thái Lan. Siam Center cũng đã hợp tác với Lazada để mở trung tâm thương mại trực tuyến với sự tham gia của khoảng 40 thương hiệu. Cùng thời điểm, ở Indonesia, hơn 100 thương hiệu của 3 trung tâm thương mại đến từ Pakuwon Group cũng "lên sàn" TMĐT đợt này.

Lazada, hiện hoạt động ở 6 quốc gia Đông Nam Á, ra mắt một trung tâm thương mại ảo có tên Lazmall vào năm 2018. Lazmall cho phép các thương hiệu tạo cửa hàng trực tuyến của riêng họ. Từ thời điểm đó, số lượng thương hiệu của Lazmall đã tăng 9 lần và đạt hơn 18.000, theo ông Chang.

Từ khi Singapore áp dụng lệnh phong tỏa hồi tháng 4, mảng hàng tươi sống của Lazada chứng kiến tăng trường đơn hàng tới 50% và chạm mốc kỉ lục hồi tháng 6. Nhu cầu tăng mạnh khiến Lazada Singapore phải tuyển dụng thêm 500 nhân sự toàn thời gian và bán thời gian.

"TMĐT có triển vọng ở đây nhưng COVID-19 thúc đẩy quá trình diễn ra nhanh hơn nữa" ông nói thêm.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang