Sự đa dạng phong phú của ứng dụng di động tại Đông Nam Á chính là biểu trưng cho hoạt động công nghệ năng động trong khu vực. Google và Temasek đã ước tính được rằng Đông Nam Á sẽ đạt đến một nền kinh tế Internet trị giá 200 tỷ USD vào năm 2025.
Báo cáo về nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á của Google - Temasek lần thứ 3 dự đoán rằng nền kinh tế Internet sẽ đóng góp 240 tỷ USD vào GDP khu vực tính đến năm 2025. Việt Nam cũng đang đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực. Đến năm 2025, nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ là một động cơ tăng trưởng trị giá 33 tỷ USD, lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á và lớn gấp 11 lần so với năm 2015.
Ngày nay, Đông Nam Á có 350 triệu người dùng Internet - một lớp người tiêu dùng ưu tiên di động lớn hơn toàn bộ dân số nước Mỹ, châu Âu và Nhật cộng lại. Số lượng người mua sản phẩm vật chất qua các nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á đã tăng gấp đôi so với con số chưa đến 50 triệu người vào năm 2015, vượt mốc 120 triệu người vào năm 2018. Trong cùng kỳ, số lượng người dùng hoạt động của các dịch vụ gọi xe cũng đã tăng gấp 4 lên đến 35 triệu. Bên cạnh Alibaba, Facebook và Google Chrome, những ứng dụng như Grab, Lazada và Sendo cũng xuất hiện rất thường xuyên.
Người Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục xây dựng nên những công ty dẫn đầu trong hệ sinh thái. Các doanh nghiệp địa phương thống trị ngành thương mại điện tử, lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế internet. Lazada, Shopee và Tokopedia chiếm đến gần 70% trong 23 tỷ USD chi tiêu cho mua sắm trực tuyến trong năm 2018.
Mỗi ngày, có đến 8 triệu cuốc xe được đặt qua các dịch vụ gọi xe tại khu vực Đông Nam Á, đa phần đến từ Go-Jek và Grab. Trên thực tế, Đông Nam Á có đến 9 startup được định giá trên 1 tỷ USD, áp đảo về số lượng so với các quốc gia khác trên thế giới ngoại trừ 4 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Anh.
Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2018, con số gọi vốn đã được nâng lên đến 9,1 tỷ USD. Không chỉ các startup kỳ lân nhận được những khoản đầu tư đáng kể, mà cả hệ sinh thái cũng thu hút nhà đầu tư. Khoảng 24 tỷ USD vốn được huy động kể từ năm 2015 đã được giải ngân cho hơn 2.000 công ty nhỏ hơn trong nền kinh tế Internet.
Việt Nam đang có những phát triển ấn tượng về nền kinh tế Internet. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản đối với các công ty muốn mở rộng sang tầm khu vực. Thứ nhất, Việt Nam thiếu sự hợp tác quốc tế và tiêu chuẩn chung. Thứ hai, trong bối cảnh đa phần người tiêu dùng Đông Nam Á vẫn quen thanh toán bằng tiền mặt hơn cũng tạo ra lực cản và phát sinh chi phí giao dịch cho toàn bộ khu vực kinh tế Internet. Thứ ba, nguồn nhân lực kinh tế Internet còn thiếu và chưa được đào tạo kỹ năng phù hợp, cần phải mở rộng thêm 10% mỗi năm mới đáp ứng được sự tăng trưởng của các doanh nghiệp địa phương.
Chính phủ Việt Nam cần khuyến khích các công ty Internet địa phương mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Hệ sinh thái Internet đầy hứa hẹn của khu vực Đông Nam Á có thể trở thành nguồn động lực trọng yếu cho sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, phát triển kinh doanh và tạo công ăn việc làm.