Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, các doanh nghiệp Mỹ được Tổng thống Trump kêu gọi rời khỏi Trung Quốc và Apple cũng hưởng ứng lời kêu gọi này. Những địa điểm được lưu tâm là Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia,… Chính vì vậy, hồi đầu năm 2019 giới kinh tế có nhiều đồn đoán các chuyên gia của Apple có đến một khu công nghiệp lớn tại Quảng Ninh tìm hiểu địa điểm xây nhà máy mới.
Các tin đồn ngày một reo rắc hy vọng khi được chính tờ New York Times thổi bùng khi nói rằng nhiều hãng công nghệ lớn đang xem xét mở nhà máy ở Việt Nam, nhờ đó Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất smartphone toàn cầu. Tập đoàn điện tử Foxconn nổi tiếng của Đài Loan, một đối tác lớn sản xuất iPhones vào tháng 1/2019 cũng đã tuyên bố mua quyền sử dụng đất tại Việt Nam cũng như bơm 200 triệu USD cho thị trường Ấn Độ.
Tờ Thời báo Ấn Độ cho biết hãng công nghệ Mỹ sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho các hoạt động tại nước này, chủ yếu để sản xuất iPhone. Hiển nhiên, Foxconn sẽ là một trong những bên hưởng lợi từ quyết định này.
Trong tương lai chúng tôi sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp smartphone tại Ấn Độ. Chúng tôi đã chuyển dây chuyền sản xuất sang nước này”, ông Terry Gou, Chủ tịch của Foxconn nói trong một sự kiện tại Đài Loan.
Khi thị trường Trung Quốc chững lại, Ấn Độ trở thành thị trường smartphone tăng trưởng nhanh nhất. Thị phần iPhone tại nước này khá thấp, trong đó nguyên nhân chính đến từ giá bán cao. Nếu sản xuất nội địa, iPhone có thể bớt được thuế nhập khẩu 20%.
“Đối với Foxconn, thị trường iPhone tại Trung Quốc đã chững lại và giá nhân công tại Trung Quốc cao gấp 3 lần Ấn Độ. Trong khi đó, thị trường Ấn Độ vẫn đang tăng trưởng, tiềm năng của thị trường nội địa vẫn còn rất lớn. Ấn Độ có thể trở thành trung tâm xuất khẩu iPhone của khu vực”, ông Karn Chauhan, nhà phân tích tại Counterpoint Research nhận định.
Tại Ấn Độ, iPhone vừa phục vụ thị trường nội địa, vừa để xuất khẩu. Chẳng hạn nhà máy tại Chennai sẽ sản xuất iPhone cho nước khác. Có tin Apple đã làm việc với các nhà cung ứng thiết bị địa phương nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra thông suốt.
Ban đầu, Apple sản xuất iPhone tại Ấn Độ để tuân thủ quy định của nước này yêu cầu công ty nước ngoài bán sản phẩm tại Ấn Độ phải sử dụng nguồn lực địa phương.
Tuy nhiên, dần dần iPhone sản xuất tại Ấn Độ được xuất đi nước khác, bắt đầu từ năm nay. Có vẻ như Apple muốn biến Ấn Độ thành trung tâm xuất khẩu iPhone ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, Apple chỉ tiết lộ rất ít thông tin về kế hoạch tại Ấn Độ. Có vẻ hãng này vừa muốn tăng sự hiện diện tại đất nước đông dân thứ hai thế giới, vừa muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trước nhà máy iPhone, Foxconn đã có 2 nhà máy tại phía nam Ấn Độ để sản xuất thiết bị cho Xiaomi và Nokia. Việc mang thêm dây chuyền sản xuất iPhone về nước này giúp cho cả Apple và Foxconn đa dạng hóa địa điểm, không bị phụ thuộc vào Trung Quốc khi nước này vẫn chưa giải quyết xong chiến tranh thương mại với Mỹ.
Chưa rõ những nhà máy của Foxconn tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong thời gian tới. Trung Quốc đã là trung tâm sản xuất của Foxconn nhiều năm nay. Công ty này sở hữu nhiều nhà máy và hàng trăm đối tác tại Trung Quốc.
Đầu tháng 12/2018, Reuters đưa tin Tập đoàn Foxconn và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang thảo luận về việc xây dựng một cơ sở sản xuất iPhone tại Việt Nam. Tuy nhiên, Apple và Foxconn chưa có bước đi rõ rệt hơn.