Grab, Uber cạnh tranh quyết liệt, Vinasun lui về tỉnh lẻ
Grab, Uber cạnh tranh quyết liệt, Vinasun lui về tỉnh lẻ
Hàng loạt chi nhánh của Vinasun được mở ra tại các tỉnh lẻ cho thấy “ông lớn” taxi đã bắt đầu để mắt tới thị trường ngách này.
Hàng loạt chi nhánh của Vinasun được mở ra tại các tỉnh lẻ cho thấy “ông lớn” taxi đã bắt đầu để mắt tới thị trường ngách này.
Nhìn nhận lại thì có lẽ đây cũng là thị trường khả dĩ nhất trong hiện tại với Vinasun, khi tỉnh lẻ chưa vấp phải sự cạnh tranh của taxi công nghệ. Tuy nhiên, dung lượng thị trường quá nhỏ sẽ là bài toán khó mà doanh nghiệp này cần phải giải.
Nếu như trước đây, thị trường tỉnh với nhu cầu ít không phải là thị trường mục tiêu của Vinasun thì hiện nay lại là giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sau tổn thất những năm bị taxi công nghệ cạnh tranh quyết liệt.
Từ giữa năm 2017 đến nay, Vinasun liên tục mở các chi nhánh tại Bình Thuận, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk. Doanh nghiệp cũng đồng thời gia tăng số lượng taxi hoạt động phục vụ hành khách trên địa bàn vùng ven biển miền Trung và có kế hoạch về miền Tây với thông tin tuyển dụng tại khu vực này.
Vinasun chọn tỉnh lẻ để cứu doanh thu. |
Tại các thị trường này, taxi truyền thống chưa phải đối đầu trực tiếp với các đối thủ Uber, Grab, vì lượng xe cá nhân ở tỉnh lẻ không nhiều. Một cái lợi nữa là doanh nghiệp sẽ tận dụng được một phần nguồn xe sẵn có, cắt giảm được lượng xe nhàn rỗi, chờ thanh lý và giảm lượng xe đang khai thác tại TP.HCM. Tính toán tốt thị trường tỉnh có thể sẽ chuyển hóa thành thị trường mục tiêu của các ông lớn truyền thống.
Mới đây, công ty này thông qua chủ trương ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác kinh doanh thương hiệu taxi tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang giữa doanh nghiệp này với Công ty TNHH MTV Hai Lúa, một công ty riêng của Chủ tịch HĐQT Đặng Phước Thành.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ chi gần 27 tỷ đồng nhận chuyển nhượng tài sản là 79 ôtô, quyền khai thác kinh doanh taxi hiện hữu, quyền sử dụng tần số thiết bị vô tuyến, số điện thoại tổng đài và các thiết bị khác từ Công ty TNHH MTV Hai Lúa.
Đại diện Vinasun cho biết công ty đang tích cực mở rộng thị trường vận tải taxi tại các địa phương mà ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab và Uber chưa vươn đến, nhằm hạn chế sự cạnh tranh trực tiếp. Việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản này là một phần trong chiến lược phát triển thị trường, đồng thời tránh xung đột lợi ích tại các thị trường có liên quan.
Việc tiến nhanh về tỉnh chứng tỏ các doanh nghiệp taxi truyền thống đang cố gắng xoay sở để bù đắp vào doanh thu bị mất đi ở thị trường thành phố. Tuy nhiên rào cản trước mắt là dung lượng thị trường quá nhỏ cộng với nhu cầu di chuyển không nhiều, muốn đạt nguồn thu như kỳ vọng có lẽ phái mất rất nhiều thời gian.
Doanh thu của Vinasun năm 2017 tiếp tục giảm hơn 35% so với năm 2016, lợi nhuận giảm 40%. Đó là chưa kể thất thoát vô hình là giá trị cổ phiếu bốc hơi 50% giá trị so với năm trước.
Đuối sức trong cuộc chiến với taxi công nghệ, Vinasun đề xuất giải pháp nhượng quyền kinh doanh với tài xế nhưng không được cơ quan chức năng đồng ý. Ảnh: Anh Quân. |
Vinasun đã chuyển hình thức kinh doanh sang nhượng quyền để tiết kiệm chi phí nhưng cũng không đủ để bù đắp phần bị thiếu hụt vì nhân viên nghỉ việc quá nhiều. Cụ thể, đầu năm 2017, tổng số nhân viên là 17.160 người nhưng đến ngày 31/12/2017, số lượng này chỉ còn 7.117 người, tương đương giảm hơn 10.000 người trong một năm qua.
Số lượng nhân viên giảm mạnh một phần do nhiều tài xế phải chuyển sang hoạt động theo mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại, không được xem là nhân viên chính thức tại Vinasun.
Tuy nhiên, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản bác việc triển khai loại hình kinh doanh nhượng quyền thương mại và khai thác dịch vụ taxi với đối tác là các cá nhân, vì không phù hợp với các quy định hiện hành. Cơ quan quản lý không cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi cho đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh cá thể.
Ngoài ra, hiện nay việc nhượng quyền thương mại cho cá nhân kinh doanh vận tải taxi chưa được Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn, nên cơ quan thuế chưa có cơ sở hướng dẫn việc lập hoá đơn cho khách hàng của cá nhân kinh doanh vận tải taxi. Vinasun là đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải taxi nên phải kê khai, nộp thuế theo quy định hiện hành.
Trước đó, đầu năm 2017, khi có đến 4.239 nhân viên nghỉ việc chỉ trong 3 tháng, lãnh đạo của Vinasun khẳng định nguyên nhân do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ Uber và Grab, một số tài xế đã chuyển sang chạy loại hình dịch vụ này.
Cơ cấu doanh thu năm 2017 cũng thay đổi khi tỷ trọng vận tải hành khách bằng taxi giảm mạnh, thay vào đó là hoạt động nhượng quyền thương mại và khai thác taxi.
Cụ thể, doanh thu vận tải hành khách bằng taxi vẫn là nguồn thu lớn nhất, đạt 2.067 tỷ đồng nhưng chỉ còn chiếm 70% tổng nguồn thu trong năm qua. Trong khi hoạt động nhượng quyền thương mại lần đầu tiên đã mang về cho công ty thêm 566 tỷ đồng doanh thu.
Trong khi hoạt động chính của doanh nghiệp chỉ mang lại cho "ông lớn" taxi này vỏn vẹn 36 tỷ đồng lợi nhuận năm qua thì hoạt động thanh lý tài sản trở thành “cứu cánh”, khi mang lại khoản lợi nhuận gần 209 tỷ đồng. Kết quả, Vinasun báo lãi ròng sau thuế 190 tỷ đồng, giảm 40%.
Bế tắc trong cạnh tranh với xe công nghệ nên việc rút quân về tỉnh lẻ là lựa chọn khả dĩ nhất để Vinasun cứu vãn tổn thất. Giải pháp tình thế, nhưng ở tỉnh lẻ nếu có chiến lược tốt thì họ vẫn có khả năng áp đặt cuộc chơi lên các đối thủ khác, tránh được tổn thương trong cuộc chiến với taxi công nghệ.
Theo Zing
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI