Hà Nội tiếp tục đạt tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ

Hà Nội tiếp tục đạt tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ

Ngành công thương cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã có một năm tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa. Nhiều mặt hàng của Hà Nội đều có mức tăng trưởng cao so với năm trước đó, như máy móc thiết bị phụ tùng, tăng 25,9%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 15,2%... Điểm đáng chú ý là sự hoán đổi vị trí tăng trưởng xuất khẩu giữa các thành phần kinh tế tại Thủ đô.


Khối FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2017 - Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Khối FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo tình hình xuất nhập khẩu của thành phố, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11.779 triệu USD, tăng 10,3% so với năm 2016. Trong đó, các doanh nghiệp do địa phương quản lý ước đạt 9.817 triệu USD, tăng 12% so với năm 2016.

Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 6.033 triệu USD, chiếm tỷ trọng 51,2%, tăng 15,4% so với năm 2016. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 3.615 triệu USD, chiếm tỷ trọng 30,7%, tăng 7,4% so với năm 2016. Trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước: ước đạt 2132 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,7%, tăng 2% so với năm 2016;

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu năm 2017 ước đạt 29.829 triệu USD, tăng 18,2% so với năm 2016. Trong đó doanh nghiệp do địa phương quản lý đạt 13.383 triệu USD, tăng 19,6% so với năm 2016.

Khu vực kinh tế nhà nước có lượng nhập khẩu nhiều nhất, ước đạt 18.076 triệu USD, chiếm tỷ trọng 60,6%, tăng 17,1% so với năm 2016; Khu vực FDI ước đạt 6.795 triệu USD, chiếm 22,8%, tăng 21,6% so với năm 2016; Khu vực kinh tế ngoài nhà nước: ước đạt 4958 triệu USD, chiếm 16,6%, tăng 25,3% so với năm 2016…

Như vậy, tổng kim ngạch ngoại thương của thành phố Hà Nội đạt 41.608 triệu USD. Mức nhập siêu của thành phố Hà Nội năm 2017 là 18.049 triệu USD, tương đương 153,2% kim ngạch xuất khẩu, tăng so với năm 2016 (116,4%). Cả 3 thành phần kinh tế đều nhập siêu trong năm 2017. Mức nhập siêu của Hà Nội có xu hướng tăng từ đầu năm 2017 do mức tăng trưởng nhập khẩu luôn cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, năm 2017 có sự thay đổi trong cơ cấu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giữa các thành phần kinh tế. Có sự hoán đổi vị trí giữa thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế ngoài nhà nước. Kinh tế nhà nước giảm tỷ trọng từ trên 25% trong những năm trước xuống 18,7% và tốc độ tăng trưởng thấp nhất, chỉ đạt 2%; kinh tế ngoài nhà nước có tỷ trọng ngày càng tăng, từ dưới 20% năm 2014 lên 25% năm 2016 và trên 30% năm 2017 (tốc độ tăng trưởng 7,4%).

Đặc biệt, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất và ngày càng lớn, từ 48,7% năm 2014 lên 49,8% năm 2016 và 51,2% năm 2017, có tốc độ tăng cao nhất 15,4%.

Lý giải về kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tăng khá cao 10,3%, vượt chỉ tiêu kế hoạch tăng 4-5% của Hội đồng nhân nhân thành phố giao, Phòng quản lý Thương mại – Sở Công Thương Hà Nội cho hay, tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam và USD ổn định, trong khi tỷ giá giữa VND và các ngoại tệ khác tăng khá mạnh có tác động kích thích xuất khẩu; cung ngoại tệ dồi dào; Các chương trình xúc tiến thương mại của thành phố triển khai trong thời gian qua đã phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là động lực tăng trưởng xuất khẩu chính của thành phố với tỷ trọng lớn nhất 21,2% và tốc độ tăng cao nhất 15,4%; trong đó, 2 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu đều tăng trưởng cao là điện tử tăng gần 50%, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 15,2%.

Mức tăng vẫn còn thấp

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Mặc dù mức tăng trưởng xuất khẩu của thành phố cao hơn kế hoạch được giao, nhưng lại thấp hơn TP. Hồ Chí Minh và cả nước do một số nhóm hàng xuất khẩu giảm hoặc tăng trưởng thấp so với năm 2016.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, nhóm hàng dệt may tăng trưởng thấp và không ổn định (giảm so với cùng kỳ 2016 từ tháng 5 đến tháng 9 và cả năm chỉ tăng 3,7% so với năm 2016) do áp lực giảm giá thành gia công từ các thị trường Mỹ và EU; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng dài hạn;  Đối tác yêu cầu cao hơn về kỹ thuật và khả năng đáp ứng với yêu cầu mới của doanh nghiệp còn hạn chế.

Nhóm hàng giầy dép và các sản phẩm từ da giảm 8,2% so với năm 2016, hay nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chỉ tăng 3,4% so với năm 2016 do nguyên liệu đầu vào khan hiếm, tăng giá hàng năm 12-18%, trong khi giá sản phẩm bán ra không tăng hoặc giảm do cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc và các nước trong ASEAN…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch ngoại thương của cả nước năm 2017 là 424.870 triệu USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 213.770 triệu USD, tăng 21,1% so với năm 2016 và kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 211.100 triệu USD, tăng 20,8% so với năm 2016. Mức xuất siêu của cả nước năm 2017 là 2670 triệu USD, tương đương 1,3% kim ngạch nhập khẩu.

Tổng kim ngạch ngoại thương của Hà Nội chiếm tỷ trọng 9,8% cả nước; trong đó xuất khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng khoảng 5,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tỷ trọng xuất khẩu của Hà Nội so với cả nước có xu hướng giảm trong những năm qua do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hà Nội luôn thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu của cả nước (năm 2012 chiếm tỷ trọng 9%, năm 2013 chiếm 7,5%, năm 2014 chiếm 7,4%, năm 2015 chiếm 6,5%, năm 2016 chiếm 6%).

Ở bình diện so sánh với TP. Hồ Chí Minh, tổng kim ngạch ngoại thương của TP. Hồ Chí Minh năm 2017 đạt 78.849 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 (tính cả dầu thô) ước đạt 35.548 triệu USD, tăng 16,1% so với 2016. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 32.461 triệu USD, tăng 14,7% so với năm 2016. Tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 ước đạt 43.301 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2016. Mức nhập siêu của TP. Hồ Chí Minh năm 2017 là 7.753 triệu USD, tương đương 21,8% kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Trong tổng kim ngạch tính dầu thô, thành phần kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng 11,6% và tăng 6,7%, kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 32,5% và tăng 5,9%, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 55,9% và tăng 16% (thành phần kinh tế nhà nước Hà Nội chiếm 18,7% và tăng 2%, kinh tế ngoài nhà nước của Hà Nội chiếm 30,7% và tăng 7,4%; kinh tế FDI Hà Nội chiếm 51,2% và tăng 15,4%)./.

Theo Công thương

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang