Doanh nghiệp hiện nay đang gánh vác sứ mệnh phát triển nền kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập. Bản thân mỗi doanh nghiệp phải đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, rèn luyện ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước để phát triển doanh nghiệp của mình bền vững.
Nhằm tổ chức một diễn đàn với sự trao đổi thẳng thắn, đa chiều về văn hóa, đạo đức, trách nhiệm xã hội, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp từ đó tạo môi trường thuận lợi nhằm cải tạo, xây dựng và phát huy văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời số báo đầu tiên, Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh”.

|
Đến dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành; các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài Bộ VHTTDL, cùng các cơ quan báo chí, truyền thông. Diễn đàn đã thu hút trí tuệ, tâm huyết, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ doanh nhân nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho rằng, đây là cơ hội quý báu để các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và văn hóa gặp gỡ, thảo luận, đồng thời từ đó tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế xã hội, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hoá gây tổn hại tới các doanh nghiệp.

|
Tại hội thảo, TS.Nguyễn Minh Phong chuyên gia kinh tế cho rằng, về cấu thành, văn hóa doanh nghiệp trước hết bao gồm các nhận thức và hoạt động liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước (nộp thuế, tuân thủ pháp luật…), với xã hội (tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng, hợp đồng với đối tác và bảo vệ môi trường, làm từ thiện…) và trong ứng xử nội bộ của doanh nghiệp (quan hệ đồng nghiệp, cấp trên - cấp dưới, lao động với chủ sử dụng lao động, các ứng xử và giá trị truyền thống tinh thần trong và giữa các đơn vị, cá nhân trong doanh nghiệp...).
Văn hóa doanh nghiệp không thể tách rời với văn hóa quản lý nhà nước; đồng thời, chịu ảnh hưởng từ tổng hòa và hội tụ các nhân tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp, nổi bật là các giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc; pháp luật và đạo đức xã hội. “Văn hóa doanh nghiệp gắn liền với sự phát triển và hoàn thiện của các thể chế kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, cũng như nhận thức và hành động cụ thể của chủ doanh nghiệp và cộng đồng lao động của doanh nghiệp…” – TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ và đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGAS), Công ty TNHH MTV My Health và Trung tâm Thông tin Kinh tế VIBIZ.VN.
Theo Thể thao Việt Nam