IPv6 thực sự cần thiết nếu muốn phát triển IoT

IPv6 thực sự cần thiết nếu muốn phát triển IoT

Chia sẻ về vai trò của giao thức mạng IPv6 trong ngành công nghiệp IoT (internet of thing – vạn vật kết nối internet), về tầm quan trọng của IPv6 đối với bảo đảm an toàn cho các giải pháp IoT, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng, nếu muốn phát triển IoT thì Ipv6 thực sự cần thiết.


Ngày 5-5, tại Hà Nội, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia tổ chức Hội thảo “IPv6 và Internet of Things”. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên nhân Ngày IPv6 Việt Nam, 6-5 hàng năm.

Hội thảo hướng tới phân tích vai trò quan trọng và mối tương quan mật thiết giữa IPv6 và ngành công nghiệp IoT, cũng như chia sẻ giữa các doanh nghiệp, tổ chức về triển khai IPv6 với IoT.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm – Trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị IoT trong nước; các nhà cung cấp dịch vụ di động; các diễn đàn về IPv6, IoT...

Tại Hội thảo, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết, số liệu thống kê từ Google cho thấy tỷ lệ tăng trưởng IPv6 năm sau tăng gấp đôi so với năm trước, hiện tại tỷ lệ sử dụng IPv6 trên thế giới là 20%. Với đà tăng trưởng này, dự báo đến năm 2019 tỷ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 trên thế giới sẽ đạt 100%.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, Trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết, IoT có nhiều lợi ích, đặc biệt mang lại sự phát triển kinh tế, phục vụ cuộc sống, điều đó khiến cho IoT đã, đang và sẽ là xu hướng của công nghệ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, mỗi thiết bị khi kết nối đến mạng IoT sẽ sử dụng ít nhất một địa chỉ mạng. Các phân tích dự đoán sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị được kết nối Internet vào năm 2020, trong khi đó không gian địa chỉ IPv4 chỉ cung cấp khoảng hơn 4 tỷ địa chỉ. Điều này cho thấy khả năng mở rộng vô cùng lớn của không gian địa chỉ IPv6 khi so sánh với IPv4. Bên cạnh đó, khả năng kết nối các thiết bị và hỗ trợ bảo mật tốt hơn khi sử dụng địa chỉ IPv6 cũng là một lý do khiến IPv6 thực sự cần thiết nếu muốn phát triển IoT.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Ban Công tác thúc đấy phát triển IPv6 quốc gia, các chuyên gia công nghệ đến từ các doanh ICT hàng đầu trong nước như VNPT Technology, FPT, các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã trình bày và giới thiệu, chia sẻ về vai trò của IPv6 trong mạng IoT, tầm quan trọng của IPv6 đối với đảm bảo an toàn cho các giải pháp IoT.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban Quản lý phát triển sản phẩm Công ty VNPT Technology cho biết, IPv6 có vai trò rất quan trọng trong IoT. Tuy nhiên, việc triển khai IPv6 cũng là thách thức đối với các nhà cung cấp, trong đó có việc nâng cấp các thiết bị hỗ trợ IPv6, trên thực tế hiện tại còn nhiều thiết bị sử dụng các chuẩn kết nối khác nhau và chưa hỗ trợ IPv6; đồng thời, thiết bị IoT chủ yếu là các thiết bị công suất thấp, việc hỗ trợ IPv6 phải có giải pháp cân đối giữa các chức năng của thiết bị và năng lượng tiêu thụ.

Ngoài ra, việc chuyển đổi hệ thống mạng IoT hiện tại sang IPv6 cũng đặt ra thách thức cho các cơ quan, đơn vị trong việc phải xác định thời điểm chuyển đổi; lộ trình chuyển đổi phù hợp với hệ thống, nhu cầu khách hàng và sự phát triển của cơ sở hạ tầng; làm sao để có kế hoạch chuyển đổi cụ thể, không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống, dịch vụ.

Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn 3 (2016-2019), giai đoạn chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động với nền tảng IPv6 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Đây là giai đoạn quan trọng với việc thúc đẩy triển khai IPv6 đến từng đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp CNTT trong nước, chung tay đưa IPv6 lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người dùng Internet.

Theo ND

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang