Kinh tế tư nhân (KTTN) được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong khu vực KTTN đã có những tập đoàn quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có khát vọng làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị DN…

Thế nhưng nội lực của KTTN còn yếu,  KTTN vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII  sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời báo Ngân hàng giới thiệu các ý kiến đóng góp để KTTN trở thành động lực mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Văn Bình

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Phát triển KTTN là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài

KTTN ngày càng đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.   

Hiệu quả, sức cạnh tranh của KTTN dần được nâng lên, bước đầu hình thành được một số tập đoàn KTTN có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có khát vọng làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị DN. 

Những thành tựu phát triển của KTTN Việt Nam trong thời gian qua là rất đáng tự hào. Nhưng dù đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc nhưng thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá cho thấy, cho đến nay, KTTN vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. 

 

Phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của KTTN phải đi đôi với khắc phục triệt để những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển

 

Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII sắp tới sẽ tạo ra bước phát triển mới cho KTTN Việt Nam với việc ban hành Nghị quyết về phát triển KTTN để “KTTN thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng, với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong GDP; góp phần không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến độ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Phát triển KTTN là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa cấp thiết vừa lâu dài. Trong đó, phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của KTTN phải đi đôi với khắc phục triệt để những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển. Cần thống nhất quan điểm: kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Coi phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực và giải phóng sức sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đồng thời, cần chăm lo phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, có trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao.

Ông Trương Đình Tuyển

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng

 

Những thuận lợi đang xuất hiện

Những thuận lợi cho KTTN đang xuất hiện: Đảng và Nhà nước đã coi DN tư nhân (DNTN) là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm minh bạch, cạnh tranh công bằng theo yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động. Chính phủ cũng đang đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, điều này tạo cơ hội rộng mở cho  DNTN đầu tư vào nhiều lĩnh vực trước đây vốn là độc quyền nhà nước…

KTTN có lực lượng lao động trẻ, đang trong thời kỳ dân số vàng, có khả năng thích ứng nhanh và ngày càng khẳng định vai trò của mình. Nhưng do sinh sau đẻ muộn, năng lực tài chính và công nghệ yếu, chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức thị trường, vẫn thiếu tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn (có nguyên nhân từ chính sách thiếu minh bạch, không ổn định). Khả năng kết nối giữa các DN (nhất là  kết nối với các DN FDI) thấp; Chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, KTTN vẫn chưa được hưởng một môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng thực sự. Tuy trong các văn bản pháp luật, không có sự phân biệt đối xử giữa các khu vực DN nhưng trên thực tế, DNTN đang bị đối xử ngược theo hướng: DN FDI-DNNN-DNTN trong nước. DNTN đang bị khu vực FDI và DNNN chèn lấn trong việc tiếp cận các nguồn lực.

Tự thân DNTN cần có giải pháp khắc phục những hạn chế và phát huy những lợi thế vốn có  để nâng cao năng lực cạnh tranh, coi chiến lược tăng trưởng về bản chất là chiến lược nâng cao sức cạnh tranh. DN nên xây dựng chiến lược cạnh tranh, tùy theo thực lực của DN để lựa chọn phương thức cạnh tranh: (i) Cạnh tranh trên thị trường đang có đối thủ cạnh tranh. Phương thức này đòi hỏi DN phải tạo ra sự khác biệt hay (ii) cạnh tranh trên thị trường chưa có đối thủ cạnh tranh. Phương thức này đòi hỏi DN phải có ý tưởng sáng tạo.

DN cần tái cấu trúc phù hợp với chiến lược cạnh tranh và yêu cầu tăng trưởng xanh. Tái cấu trúc không chỉ xảy ra khi hoạt động của DN bị tụt giảm mà ngay khi DN đang kinh doanh bình thường nhưng thị trường bắt đầu xuất hiện sự thay đổi do sự phát triển về công nghệ, hoặc thay đổi xu hướng tiêu dùng.

DN nên nỗ lực xác lập mối liên kết với các DN FDI và các DN lớn, tham gia vào các công đoạn trong chuỗi giá trị của các DN này.

Ông Đinh Trọng Thắng

Ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách và Đầu tư (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương)

Khơi thông tiềm năng kinh tế hộ

Quyết tâm cải cách và thúc đẩy phát triển khu vực KTTN của Chính phủ đã rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, nỗ lực đang tập trung nhiều vào khu vực DN chính thức, dường như bỏ quên một tiềm năng rất lớn là hộ kinh doanh – khu vực chưa chính thức.

Cả nước hiện có hơn 4,6 triệu hộ kinh doanh có tổng tài sản hơn 655.000 tỷ đồng, hộ kinh doanh có khá nhiều hạn chế so với DN như: hạn chế quyền kinh doanh (đăng ký tại một điểm, hoạt động trong phạm vi quận, huyện, không mở chi nhánh…); hạn chế quy mô sử dụng lao động, dưới 10 lao động thường xuyên; hạn chế trong huy động vốn, chủ yếu là vay hoặc từ chính thành viên tham gia hộ.

 Dù tiềm năng phát triển là rất lớn nhưng để khơi thông kinh tế hộ thì thực tế lại đặt ra nhiều điểm nghẽn, thách thức. Đó là môi trường kinh doanh đắt đỏ đi cùng gánh nặng pháp lý. 

Để hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả  cần tạo môi trường kinh doanh tốt để khu vực này phát huy tối đa tiềm năng; khuyến khích, thúc đẩy kinh doanh dưới hình thức DN… Mong muốn chính thức hóa hộ kinh doanh thì nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính. Điều quan trọng nhất là chính nhà đầu tư thấy được lợi ích lớn hơn chi phí khi thành lập DN.

Ông Hà Quang Tuấn

TS. Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hanoimilk

Nhà nước cần làm gì để hỗ trợ phát triển khu vực KTTN?

Khu vực KTTN ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu và là động lực quan trọng của nền kinh tế và đang cố gắng vươn lên nắm giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Nhưng DNTN vẫn đang gặp nhiều cản trở và thách thức. Vậy cần làm gì để hỗ trợ KTTN?

Theo tôi quan trọng nhất nằm ở đáp án của câu hỏi: Vì sao trong khi DNTN làm ăn có hiệu quả thì DNNN lại làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ? Câu trả lời là: do sự khác biệt về “khuyến khích chủ sở hữu”.

Ai cũng biết, chủ DNTN mang tiền của mình đi kinh doanh nên phải quan tâm sống còn đến tiền vốn của mình và vì là vốn của mình nên họ có quyền định đoạt, sử dụng, quản lý và hưởng lợi hoặc chịu lỗ. Trong trường hợp này “khuyến khích chủ sở hữu” là giải pháp mạnh nhất. 

Muốn phát triển KTTN, Nhà nước cần tin tưởng và trao cho khu vực này nhiệm vụ “đầu tàu” của nền kinh tế và đã đến lúc Nhà nước mạnh dạn ưu tiên, hỗ trợ cho những DNTN lớn vươn lên tỏa sáng, dẫn dắt thị trường và dần dần khẳng định vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Phải tạo sự đồng thuận trong xã hội trong việc công nhận, bảo vệ, tôn vinh, khuyến khích cho “khuyến khích chủ sở hữu” phát triển. Nói cách khác là cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, thông thoáng và minh bạch để các doanh nhân yên tâm, phấn khởi, chăm chỉ làm ăn, phấn đấu làm giàu cho bản thân mình và  đóng góp nhiều nhất cho xã hội. Các quy luật của nền kinh tế thị trường cần được tuân thủ và không nên can thiệp hay tác động làm méo mó sự vận hành của chúng trong nền kinh tế.

Đồng thời với việc xây dựng môi trường vĩ mô để cho khu vực KTTN phát triển,   các cơ quan bộ ngành và địa phương cần lắng nghe ý kiến của DN. Việc lắng nghe và xem xét giải quyết một cách nghiêm túc các kiến nghị của DN không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển, mà còn rất hữu ích để tổng kết rút kinh nghiệm cho việc xây dựng, điều chỉnh các chính sách vĩ mô. 

Bà Phạm Thị Thu Hằng

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI

Ưu tiên phát triển các TĐKTTN trong nước

Cần thống nhất quan điểm về vai trò của tập đoàn trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu. Các tập đoàn không phân biệt nhà nước hay tư nhân phải đảm đương sứ mệnh của mình trong việc trở thành các đầu tàu gánh vác các trọng trách lớn của nền kinh tế, dẫn dắt các DNNVV cùng phát triển.

Chính phủ nên hướng tới phát triển một khu vực tư nhân khỏe mạnh, tập trung hỗ trợ để có các DN đầu tàu lớn mạnh, tạo lực đẩy cho cả khu vực DNTN. Việt Nam cần tạo ra nhiều các DN quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ DN nhỏ nhằm phát triển một cộng đồng DN hiệu quả hình “kim tự tháp”. Trong cộng đồng DN hiệu quả có hình kim tự tháp đó, phải có các DN đầu tàu đó là các tập đoàn kinh tế tư nhân (TĐKTTN) ở vị trí đỉnh của kim tự tháp, với vai  trò dẫn dắt các DN còn lại.  

Nhưng TĐKTTN ở Việt Nam chủ yếu  được hình thành trong những năm gần đây, giai đoạn tích lũy ngắn ngủi,  chủ yếu dựa vào vốn tự có, mua sắm tài sản và ít được Nhà nước hỗ trợ về mặt bằng, đất đai như các DNNN và vẫn bị TĐKT nhà nước “lấn sân”. 

Chính phủ nên hướng theo khu vực tư nhân trong việc nhận diện ngành và sản phẩm cần hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để tìm ra những rào cản nội tại nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành và sản phẩm đã được nhận diện, rồi thiết kế chính sách để dỡ bỏ những trở ngại đó. Một số chính sách cần quan tâm sửa đổi điều chỉnh đó là: sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 ; Thiết lập cơ chế, tạo cơ hội cho DNTN tham gia đầu tư các dự án lớn của Nhà nước;  Đa dạng hóa sở hữu các DNNN, đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ưu tiên nhà đầu tư chiến lược là khu vực tư nhân trong nước; Tạo điều kiện để DNTN tiếp cận nguồn lực, đặc biệt nguồn vốn ODA.

Theo TBNH

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang