Khuynh hướng tiêu dùng cần phù hợp với nhu cầu

Khuynh hướng tiêu dùng cần phù hợp với nhu cầu

Tại diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017” diễn ra ngày 25.5, các chuyên gia nhận định, Việt Nam là thị trường lớn của ngành hàng tiêu dùng trực tuyến và có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp


Thay đổi xu hướng tiêu dùng

Theo phân tích của Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC), 6 nền kinh tế lớn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) đang được hưởng lợi từ các nguyên tắc cơ bản của thị trường và sẽ sớm trở thành tâm điểm quốc tế về thương mại điện tử. Các chuyên gia dự báo doanh thu bán lẻ trực tuyến của 6 quốc gia này sẽ tăng 34,5 tỷ USD vào năm 2018 so với con số khiêm tốn 7 tỷ USD năm 2013.

 Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang được đánh giá là thị trường bán lẻ trực tuyến có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á.

 Ngoài ra, dữ liệu về thói quen mua sắm trực tuyến do MasterCard cung cấp vào tháng 12.2015 cho thấy, 80% người sử dụng internet ở các nước Đông Nam Á đã mua hàng trực tuyến trong ba tháng trước cuộc khảo sát.

Toàn cảnh diễn đàn  

 

MasterCard lưu ý rằng, nhiều người mua sắm trực tuyến dường như là người mua lặp lại và tần suất đặt mua hàng trung bình được thực hiện trong mỗi thị trường được nghiên cứu là hai hoặc nhiều hơn. Tại một số thị trường tiêu dùng tiên tiến như Singapore, tần suất mua hàng lặp lại trung bình là hơn 4 và tại Việt Nam tần suất mua trực tuyến có thể hơn 3.

Nắm bắt thị trường trực tuyến

Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu người tiêu dùng, Đại diện Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết, Việt Nam là thị trường lớn của ngành hàng tiêu dùng và có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp. Năng lực mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đang tăng lên mỗi ngày. Với những tiện ích về cơ sở hạ tầng cũng như kết nối xã hội thuận tiện khiến hành vi thay đổi, dẫn đến người tiêu dùng có xu hướng mua hàng đa dạng, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Giai đoạn 2017-2025 số lượng khách hàng tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Quan trọng hơn là thị trường bán lẻ trực tuyến trong thời gian tới sẽ có sự tham gia của nhiều người mua, người bán.

Còn Giám đốc nghiên cứu Công ty TNS Việt Nam Chaitanya Reddy chỉ ra rằng, người tiêu dùng luôn mong muốn có mặt hàng tốt, giá cả phải chăng chất lượng, mẫu mã, logo hình ảnh phải được duy trì và cải thiện. Đương nhiên, họ bị hấp dẫn bởi chương trình khuyến mãi. Người tiêu dùng cũng thiên về lựa chọn hàng Việt như đồ uống không cồn, thức ăn, bia, nhưng với mặt hàng đồ gia dụng, thiết bị cá nhân, người Việt chuộng thương hiệu quốc tế hơn. Người tiêu dùng dự kiến chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, giải trí, ăn uống, chăm sóc sức khoẻ, vì họ mong muốn có tương lai tốt hơn, ổn định hơn. Bên cạnh đó, những cửa hàng tiện lợi đang kinh doanh khá tốt. Dù tần suất người tiêu dùng đến cửa hàng nhỏ giảm đi so với trước đây nhưng số lượng chi tiêu lại tăng lên vì không có thời gian mua sắm như trước.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh PGS.TS Nguyễn Văn Nam, người tiêu dùng nếu có khả năng và có nhu cầu, có thể mua bất kể hàng hóa nào và ở bất cứ đâu. Đó là sự bùng nổ mới về tiêu dùng, đặt ra cho tất cả đơn vị sản xuất, các tập đoàn, doanh nghiệp phải hiểu và nắm bắt được thị trường tiêu dùng thì sản xuất mới thành công. Ngày nay người tiêu dùng đã được quyền phán xét, chọn ra mặt hàng mình ưng ý nhất, cách đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng không phức tạp như xưa, có thể ngồi ở nhà bấm máy và có thể biết được hàng cần mua có ở đâu, có bao nhiêu hàng, hình thức, giá cả... Chính sự thay đổi lớn về cung cách đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khiến các tập đoàn phân phối thế giới cũng đang đứng trước khủng hoảng nếu cứ tiếp tục bán hàng theo lối chờ người tiêu dùng đến mua hàng, huống hồ là những DN nhỏ lẻ của Việt Nam. Chính vì lẽ đó, chúng ta phải tìm ra khuynh hướng chính là chỉ ra phải sản xuất, bán hàng làm sao để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.

Theo ĐBND

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang