5 sự kiện đáng chú ý của startup Việt năm 2018

5 sự kiện đáng chú ý của startup Việt năm 2018

Nếu như trước đây, khi đánh giá về startup tại khu vực Đông Nam Á, các chuyên gia quốc tế mới chỉ nhìn thấy các “lò khởi nghiệp” như Indonesia, Singapore, Malaysia… thì hiện nay cái tên Việt Nam ngày càng được nhắc tới nhiều hơn. Vị thế của Việt Nam trên bản đồ startup đã có nhiều thay đổi khi thế giới được chứng kiến làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ tại quốc gia này.


Trong năm 2018, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam diễn ra vô cùng sôi động, thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước với nhiều thương vụ gọi vốn thành công hàng triệu USD.

Dưới đây là 5 sự kiện đáng chú ý của startup Việt năm 2018:

  1. Quỹ đầu tư cho start-up của Chính phủ dự kiến có số vốn 2.000 tỷ đồng

Để cho vay, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, Chính phủ quyết định thành lập quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, để rót vốn đầu tư vào các startup. Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng lập.

Theo dự thảo Nghị định đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng, vốn điều lệ do Ngân sách Nhà nước cấp cho quỹ là 2.000 tỷ đồng. Điều kiện cho vay là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Lãi suất cho vay không vượt quá 80% mức thấp nhất của lãi suất cho vay thương mại, trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại có trên 50% vốn sở hữu Nhà nước.

2. VinaCapital lập quỹ 100 triệu USD rót vốn vào start-up công nghệ

Ngày 30/8, VinaCapital thông báo thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, quy mô 100 triệu USD để đầu tư vào các startup công nghệ. Quỹ này cũng công bố 2 khoản đầu tư đầu tiên vào Logivan và FastGo, các startup về giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam. Trong đó, giá trị đầu tư của VinaCapital Ventures và các đối tác Ethos Partners, Insignia Venture Partners vào Logivan là 1,75 triệu USD, còn con số đầu tư vào FastGo không được tiết lộ.

vinâcpital.jpg

Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures không giới hạn về thời gian nắm giữ và giá trị từng khoản đầu tư từ 2 đến 10 triệu USD. VinaCapital có thể đầu tư ít hơn số vốn cam kết trong trường hợp trở thành nhà đầu tư chiến lược hoặc có khả năng kêu gọi cùng đầu tư với mạng lưới đối tác lớn.

3. Topica nhận vốn đầu tư kỷ lục 50 triệu USD

Cuối tháng 11, Topica Edtech Group công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 50 triệu USD trong vòng gọi vốn series D, từ Northstar Group. Đến nay, đây là khoản rót vốn lớn nhất cho một công ty giáo dục trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á.

topica.jpg

Topica Edtech Group cung cấp các khoá học trực tuyến bằng tiếng Anh, với hơn 2.000 khóa học ngắn hạn và là nền tảng cho 12 trường đại học khu vực Đông Nam Á cung cấp chương trình giảng dạy và cấp bằng trực tuyến.

Northstar Group là quỹ đầu tư cổ phần tư (Private Equity) có trụ sở tại Singapore, hiện quản lý hơn 2 tỷ USD vốn đã cam kết, dành riêng cho các doanh nghiệp giai đoạn tăng trưởng ở Đông Nam Á.

4. Vntrip.vn được tập đoàn Thụy Sĩ định giá 45 triệu USD

Tháng 8, hệ thống website & ứng dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến Vntrip.vn công bố gọi vốn thành công lần 3 từ IHAG Holding - tập đoàn đầu tư toàn cầu của Thụy Sỹ - với mức định giá 45 triệu USD.

vntrip2.jpg

Vntrip.vn được sáng lập bởi ông Lê Đắc Lâm, một doanh nhân thuộc thế hệ 8X. Tháng 7/2016, startup này nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ nhà đầu tư thiên thần của Alibaba. Chỉ một năm sau đó, công ty tiếp tục nhận được 10 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Mới đây, Vntrip.vn tuyên bố sáp nhập đơn vị cung cấp vé máy bay giá rẻ tại Việt Nam Atadi vào hệ thống của mình. Đây được coi là thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lĩnh vực du lịch trực tuyến Việt Nam 2018.

5. Gần 9 triệu USD được cam kết đầu tư trong Shark Tank mùa 2

Chương trình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ) mùa 2 tiếp tục thu hút quan tâm lớn từ cộng đồng startup. Kết thúc chương trình, các nhà đầu tư cam kết rót vốn vào 27 dự án, với hơn 206,5 tỷ đồng (tương đương 8,9 triệu USD), gấp 1,8 lần tổng vốn đầu tư trong mùa đầu tiên.

sharktank.jpg

Trong đó, thương vụ giá trị nhất thuộc về Shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch CEN Group với 23 tỷ đồng đầu tư cho startup Power Centric. Nhà đầu tư này cũng tham gia vào thương vụ bạc tỷ lớn thứ 2 của chương trình khi cùng ông chủ của Intracom Nguyễn Thanh Việt rót 17 tỷ đồng cho công ty công nghệ y tế Plasma.

Dù là khách mời, Shark Nguyễn Thanh Việt là nhà đầu tư rót vốn nhiều nhất mùa 2 với hơn 47 tỷ đồng, tiếp theo là Chủ tịch Sunhouse - Shark Nguyễn Xuân Phú (37,2 tỷ) và Shark Phạm Thanh Hưng (gần 34 tỷ).

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang