Xác định thế mạnh của bán lẻ nội địa
Theo số liệu của Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam có trị giá hơn 118 tỷ USD với mức tăng trưởng 10% trong năm 2016. Bán lẻ hiện đại đang chiếm hơn 25% thị trường bán lẻ Việt Nam với hơn 700 siêu thị, hơn 130 trung tâm thương mại. Riêng 7 tháng đầu của năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiện có hơn 92% người tiêu dùng quan tâm đến hàng sản xuất trong nước. Tại kênh bán lẻ hiện đại, hàng Việt trong siêu thị chiếm khoảng 85-95% thị phần, trong đó, nhiều nhất là hệ thống siêu thị Co.opmart của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), siêu thị Satramart của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ hiện đại khác của các nhà đầu tư nước ngoài như Big C, Mega Market… cũng có tỷ lệ hàng Việt cao.
Tuy nhiên, sự thâm nhập của các nhà bán lẻ quốc tế đang phát triển nhanh chóng, tác động lớn đến thị trường bán lẻ trong nước thông qua hình thức mua bán-sáp nhập. Những thương hiệu nổi tiếng về bán lẻ như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)… đã không còn xa lạ đối với người tiêu dùng ở các đô thị lớn. Ví như, chỉ trong phạm vi khoảng 2km từ đường Phan Văn Trị đến đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đã có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn, như: Co.op mart, Vincom Plaza, Emart và Lotte mart. Trong đó, hai siêu thị nhà đầu tư nước ngoài là Emart và Lottemart đang rất hút khách. Tuy nhiên, Co.op mart Phan Văn Trị của Saigon Co.op vẫn duy trì được lượng khách hàng khá đông.
Người tiêu dùng mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.opmart của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: “DN tập trung phát huy điểm mạnh đang có là sự am hiểu thị trường, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, phát huy mối quan hệ giữa Saigon Co.op với đơn vị cung cấp, các đơn vị đối tác cung ứng để phát triển vững chắc và tập trung xây dựng chiến lược, phát huy yếu tố sáng tạo, chủ động hơn nữa. Phải có nhiều ý tưởng, linh hoạt, đột phá thì chúng tôi mới có thể cạnh tranh với các "đối thủ" lớn của nước ngoài”.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (nước giải khát Bidrico), để có thể cạnh tranh được với các nhà bán lẻ nước ngoài thì cần chủ động làm cho DN trong nước mạnh lên với các thế mạnh đặc thù, chiến lược phân phối sản phẩm, truyền thông thương hiệu… tại các kênh bán lẻ nội địa. Đồng thời, các DN cần liên kết với nhau về nguồn hàng và có hợp tác sâu rộng với cơ sở sản xuất trong nước, phát triển phương thức bán hàng đa kênh vừa có trực tuyến, vừa bán hàng truyền thống.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng dịch vụ
Hiện nay, bức tranh chung của thị trường bán lẻ nước ta là kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống đang đan xen, hỗ trợ, cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh với nhà bán lẻ nước ngoài. Riêng kênh siêu thị có áp lực cạnh tranh rất lớn với gần 20 thương hiệu, 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa. Với nhiều kênh bán lẻ mới, người tiêu dùng có thêm các lựa chọn khi mua sắm, tạo áp lực buộc các nhà bán lẻ thay đổi về chất lượng phục vụ. Hiện mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang là phân khúc phát triển nhanh trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup sau hai năm đã mua lại hệ thống siêu thị Oceanmart, Vintexmart và Maximark và phát triển hệ thống bán lẻ với gần 100 siêu thị VinMart và hàng trăm cửa hàng tiện ích VinMart+. Trong giai đoạn 2016-2020, Satra tiếp tục mở rộng thị trường và kênh phân phối gồm: Xây dựng 11 siêu thị Satramart, 5 trung tâm thương mại Central Mall và 200 cửa hàng tiện lợi Satrafoods; còn Saigon Co.op hiện nay cũng có 87 siêu thị Co.opmart, 2 đại siêu thị Co.opXtra, Trung tâm thương mại SC VivoCity, 3 Trung tâm thương mại Sense City, gần 200 cửa hàng thực phẩm Co.op Food và cửa hàng tiện lợi Co.opSmile… 3 thương hiệu này được xác định là trụ cột cho ngành bán lẻ trong nước.
Từ kinh nghiệm và những thành công trên thị trường bán lẻ nội địa, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết: "Giải pháp của đơn vị là chú trọng phát triển nhanh mạng lưới, đa dạng hóa các mô hình bán lẻ và luôn quan tâm đến chất lượng hàng hóa; đồng thời cải tiến, cập nhật các loại hình dịch vụ phục vụ khách hàng, đáp ứng xu hướng hiện đại". Để làm được điều đó, Saigon Co.op chú trọng vào việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực, đầu tư vào những công nghệ mới và sắp xếp lại mạng lưới cho phù hợp và hiệu quả hơn để phục vụ khách hàng tốt hơn, thuận lợi cho sự phát triển của DN. Để cạnh tranh bền vững, Saigon Co.op và Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) cùng thực hiện liên doanh mô hình kinh doanh đại siêu thị và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn với thương hiệu Co.opXtra và Co.opXtraPlus. Mới đây, Saigon Co.op đã ký kết hợp tác toàn diện với VietinBank nhằm tiếp tục gia tăng những tiện ích và quyền lợi cho hơn 4 triệu khách hàng hiện hữu của hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op. Khởi đầu cho chiến lược hợp tác toàn diện, hai bên đã ra mắt thẻ đồng thương hiệu Visa Paywave.
Ông Phạm Thành Công, đại diện Công ty Nielsen Việt Nam phân tích: “Để phát triển thị trường bán lẻ, việc nhà phân phối thực hiện tốt chức năng cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cộng đồng bán lẻ nội địa cần nắm bắt tốt nhu cầu người tiêu dùng, tăng cường hợp tác, liên kết và cạnh tranh bình đẳng trong môi trường bán lẻ đa dạng”.
Theo QĐND
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI