Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020: Khó thành hiện thực

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020: Khó thành hiện thực

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu sẽ có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ đặt ra là khó thành hiện thực bởi cả áp lực về thời gian lẫn tốc độ cải cách ở Việt Nam hiện nay không cho phép.


Tại diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh  tổ chức tại Hà Nội sáng 19/6, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định: Mục tiêu Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ đặt ra là khó thành hiện thực.

Muc tieu 1 trieu doanh nghiep vao nam 2020: Kho thanh hien thuc hinh anh 1

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu sẽ có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ đặt ra là khó thành hiện thực bởi cả áp lực về thời gian lẫn tốc độ cải cách ở Việt Nam hiện nay không cho phép. 

Nguyên nhân chủ yếu bởi cả áp lực về thời gian (từ nay đến mốc 2020 không còn nhiều) và đặc biệt là tốc độ cũng như phạm vi cải cách ở Việt Nam hiện nay vẫn còn chậm chạp, chưa thực sự tạo được môi trường để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Võ Trí Thành, nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 mà Chính phủ đặt ra là khó khả thi.

“Tôi cho rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là khó thực hiện được. Bởi lẽ tình hình trong những năm qua cả về môi trường đầu tư kinh doanh lẫn cải cách cởi trói cho doanh nghiệp dù chúng ta nói rất nhiều nhưng trên thực tế vẫn không có sự chuyển biến đáng kể.

Thêm vào đó, quỹ thời gian từ nay đến năm 2020 cũng không còn nhiều nữa, nhất là trong 6 tháng từ đầu năm đến nay nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động vì nhiều nguyên nhân khác nhau”, TS Võ Trí Thành nhận xét.

TS Võ Trí Thành đặt vấn đề: “Chính phủ và các bộ ban ngành các cấp rất rốt ráo, có những động tác chỉ đạo rất tích cực, vậy mà các chỉ số như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lại không thể lên được".

“Rồi từ năm ngoái đến nay, hễ cứ nói đến kinh tế, đến doanh nghiệp là bảo đổi mới sáng tạo, vậy doanh nghiệp đã đổi mới, sáng tạo đến đâu?”, TS Võ Trí Thành đặt câu hỏi.

TS Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ KH&ĐT) thì cho rằng, trong 3 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những điểm sáng như số lượng doanh nghiệp đăng ký mới vẫn tiếp tục tăng, tỉ lệ xuất khẩu cao, môi trường đầu tư ít nhiều được cải thiện...

Tuy nhiên, TS Trần Thị Hồng Minh cho rằng, để đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đề ra thì cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. “Thực tế trong 3 năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, có những chỉ đạo cởi trói doanh nghiệp, song môi trường kinh doanh cần phải cải thiện nhiều hơn nữa thì mới đáp ứng được thực tế phát triển của doanh nghiệp”, TS Minh nói.

“Năm 2017 có 127.000 doanh nghiệp đăng ký mới thì đến nay vẫn còn 87% trong số đó hoạt động, nên tôi cho rằng cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là rất quan trọng”, TS Minh dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thì cho rằng, dù Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo, song quá trình cởi trói cho doanh nghiệp, cụ thể là xóa bỏ các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con ở các bộ vẫn còn rất chậm.

“Tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có Bộ Công Thương là hoàn thành việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh, còn các bộ khác vẫn chưa có chuyển biến gì nhiều, có bộ làm có bộ thì chưa. Khi xóa bỏ các điều kiện kinh doanh thì còn liên quan đến cả việc sửa luật, mà hiện nay thách thức lớn nhất chính là thời gian, nên tôi cho rằng rất khó thực hiện”, ông Hiếu nói.

Về giải pháp, theo ông Hiếu, để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển không gì hơn là phải đẩy mạnh cải cách. “Ở các nước trên thế giới thì có 2 loại cải cách: một là từ dưới lên, tức là do nhu cầu thúc bách từ thực tiễn; hai là cải cách từ trên xuống, tức là tạo ra sức ép từ nội các, từ người đứng đầu Chính phủ”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, trong thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng đã có những hoạt động rất tích cực, song vẫn chưa thể tạo ra sự đột phá thực sự.

Bổ sung ý kiến trên của ông Phan Đức Hiếu, TS Võ Trí Thành cho rằng để Tổ công tác của Thủ tướng hoạt động thực sự hiệu quả thì Tổ công tác phải thực sự độc lập, phải là những chuyên gia kinh tế giỏi...

“Tổ công tác thành công khi phải hội tụ đủ 3 đặc điểm: độc lập, chuyên nghiệp và phải có tầm nhìn tổng thể nền kinh tế chứ không phải là đại diện hay chịu áp lực của nhóm nào cả”, TS Thành nói.

Doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT công bố mới đây, tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 516,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 20178; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 2,8%.

Nếu tính cả 902,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2018 là 1.419,1 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 13.267 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay lên gần 65,6 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 5 tháng đầu năm 2018 là 412,6 nghìn người, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, nhưng cùng với đó, số số doanh buộc phải rời bỏ thương trường cũng gia tăng đáng kể. Theo đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2018 là 33.399 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 15.974 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24% và 17.425 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 9,5%.

Theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn ở hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 6,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 39,1%), tăng 23,4%; 2,5 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 15,3%), tăng 23,5%; 2 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,4%), tăng 17,7%; 819 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,1%), tăng 30,2%...

Theo VTCNews 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang