Nếu thờ ơ, doanh nghiệp có thể phá sản

Nếu thờ ơ, doanh nghiệp có thể phá sản

Doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt các rủi ro về thanh khoản, lãi suất, tín dụng, thậm chí cả phá sản.


Để tránh được những rủi ro này, bản thân mỗi DN cần phải quan tâm đến vấn đề an ninh tài chính- đó là chia sẻ của giới chuyên gia ngành tài chính tại Diễn đàn “An ninh tài chính và Cạnh tranh doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tổ chức sáng ngày 25/7 tại Hà Nội.

Các doanh nghiệp cần quan tâm và đầu tư hơn các kỹ thuật quản trị rủi ro tài chính để tránh đổ vỡ.

Rủi ro khi an ninh tài chính bất ổn

An ninh tài chính và an ninh thông tin - vấn đề sống còn đối với mỗi ngân hàng, tổ chức tín dụng và bản thân của mỗi DN. Tuy nhiên, vấn đề này ở Việt Nam dường như còn khá mới mẻ, bản thân các DN Việt Nam vẫn còn đang khá thờ ơ hoặc chưa ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này.

Thực tế này sẽ khiến bản thân mỗi DN sẽ luôn đối diện với rủi ro đổ vỡ về tài chính, về những món nợ dẫn tới có thể phá sản… 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, từ trước đến nay, nhắc tới an ninh người ta thường nghĩ đến các lĩnh vực an ninh chính trị, quân sự và xã hội với việc đảm bảo an ninh bằng các biện pháp vũ trang, bằng lực lượng quân sự, bằng các thiết chế luật pháp và cưỡng chế thi hành pháp luật, tuy nhiên, gần đây, khái niệm an ninh đã được mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế - tài chính và nâng lên tầm khu vực và toàn cầu.

Theo ông Ánh, vấn đề về an ninh tài chính thực tế đã được thế giới quan tâm từ rất lâu, vì chỉ khi tài chính tín dụng được an toàn thì cả nền kinh tế mới ổn định.

“Ở Việt Nam, hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN với tiềm lực tài chính còn mỏng và trình độ thấp, do đó luôn tồn tại hai mặt cả yếu tố thuận lợi cũng như thách thức”- ông Ánh nhận định và nhấn mạnh: “Nếu không có ngay các biện pháp củng cố và giữ vững an ninh tài chính cho hệ thống các tổ chức tín dụng- “bà đỡ” của các hoạt động sản xuất kinh doanh - thì không những các tổ chức này hoạt động không hiệu quả, rủi ro cao dẫn tới khủng hoảng tài chính - tiền tệ, mà còn gây ra đổ vỡ hàng loạt, theo dây chuyền, tác động xấu tới toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta”. 

Còn theo đại diện Cục An ninh tài chính tiền tệ và đầu tư (Bộ Công an), tội phạm công nghệ cao ngày càng hoạt động tinh vi hơn đã và đang gây ra khá nhiều bất ổn trong hoạt động của các hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Đơn cử tình trạng nhiều cán bộ ngành ngân hàng bị bắt do liên quan đến các vấn đề về an ninh tài chính đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các ngân hàng trong thời gian gần đây, khiến cho uy tín của một số ngân hàng bị đi xuống.

Nhiều đối tượng còn lợi dụng những bất ổn đó để đưa ra những tin đồn thất thiệt làm xấu hình ảnh  ngân hàng, như vụ việc tin đồn lãnh đạo ngân hàng BIDV bị bắt hồi đầu năm 2017, thời điểm đó đã khiến thị trường tài chính hỗn loạn, nhiều khách hàng rút tiền khỏi ngân hàng BIDV… chỉ một tin đồn thôi gây ra nhiều bất ổn cho hoạt động của cả hệ thống ngân hàng. Đó là lý do vì sao vấn đề an ninh tài chính cần phải được quan tâm hơn, chú trọng hơn. 

Doanh nghiệp mới chỉ lờ mờ

Không chỉ quan trọng  đối với các tổ chức tín dụng, vấn đề an ninh tài chính có liên quan mật thiết đến sinh mạng của bản thân mỗi DN.

Theo TS Phạm Tuấn Anh (Giảng viên Đại học Thương mại), nếu không quan tâm tới an ninh tài chính, DN Việt Nam hiện sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro, từ rủi ro thanh khoản, lãi suất cho đến rủi ro hối đoái tín dụng, thậm chí có thể phá sản.

Theo TS Tuấn Anh, năm 2016, có 105 DN niêm yết tại Việt Nam, trong đó, có 81 % DN thường xuyên nhận diện các rủi ro tài chính, 22% DN sử dụng dịch vụ của tư vấn để nhận diện rủi ro, đồng thời phần lớn DN nhận diện rủi ro thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính căn bản.

Tuy nhiên, vị này cho biết, các hình thức nhận diện rủi ro tài chính ở Việt Nam còn khá đơn giản và mang tính hình thức, lờ mờ…

Nhiều DN ở các ngành, lĩnh vực khác nhau nhưng cách thức, kỹ thuật nhận dạng rủi ro tài chính lại không có nhiều khác biệt.

“Trong điều kiện các dịch vụ tài chính tại Việt Nam đã phát triển khá đa dạng, nhưng nhiều nhà quản trị DN ở Việt Nam hiện nay vẫn còn xa lạ với các kỹ thuật quản trị rủi ro tài chính, điều này sẽ đẩy DN đến nhiều rủi ro, thậm chí kể cả phá sản”- TS Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh và cho rằng, hơn lúc nào hết, nhà quản lý cũng như bản thân mỗi DN cần tiếp tục có những nghiên cứu thực nghiệm về cấu trúc rủi ro tài chính DN Việt Nam, về nhận thức và quan điểm của các nhà quản trị DN về rủi ro tài chính và quản trị rủi ro tài chính… bởi đây là xu hướng tất yếu của một nền kinh tế hội nhập và phát triển công nghệ cao.    

Theo đại diện Cục An ninh tài chính tiền tệ và đầu tư (Bộ Công an), tội phạm công nghệ cao ngày càng hoạt động tinh vi hơn đã và đang gây ra khá nhiều bất ổn trong hoạt động của các hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Đơn cử tình trạng nhiều cán bộ ngành ngân hàng bị bắt do liên quan đến các vấn đề về an ninh tài chính đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các ngân hàng trong thời gian gần đây, khiến cho uy tín của một số ngân hàng bị đi xuống. Nhiều đối tượng còn lợi dụng những bất ổn đó để đưa ra những tin đồn thất thiệt làm xấu hình ảnh  ngân hàng

Theo Đại đoàn kết

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang