Nghịch lý thị trường tiêu dùng Việt: Ô tô đắt nhất thế giới, dược sĩ bán thuốc không cần đơn

Nghịch lý thị trường tiêu dùng Việt: Ô tô đắt nhất thế giới, dược sĩ bán thuốc không cần đơn

Tại hội thảo "Khuynh hướng tiêu dùng 2017" do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Trần Nhật Tân - Phó trưởng phòng nghiên cứu Vietnam Business Monitor (chuyên trang cơ sở dữ liệu về kinh tế và kinh doanh) đã đưa ra 10 nghịch lý trong tiêu dùng tại Việt Nam.


Theo ông Tân, nghịch lý thứ nhất là "Giá sữa tại Việt Nam cao khiến cho nhiệm vụ mỗi trẻ em 3 ly sữa dinh dưỡng mỗi ngày khó thực hiện". Số liệu của Vietnam Business Monitor (Vibiz) cho thấy trung bình giá 1 kg sản phẩm về sữa tại Việt Nam năm 2016 là 16 USD, cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan (14 USD); 24% so với Philippines (12,9 USD) và 46% so với Malaysia (10,9 USD).

Giá 1 kg sản phẩm sữa tại Việt Nam. Nguồn: Vibiz

Nghịch lý thứ 2 là "Gạo Việt Nam mượn mác ngoại nhằm nâng giá bán sản phẩm". Theo kết quả cuộc khảo sát 75 cửa hàng gạo, 13 đại lý và 121 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM của Vibiz, 64% gạo trên thị trường là gạo Việt Nam nhưng gắn mác nước ngoài để tăng lợi nhuận. Trong số 67 loại gạo trên thị trường chỉ có 21 loại gạo đặt theo tên Việt Nam.

Nghịch lý thứ 3 là "Dược sĩ tự ý bán thuốc không cần đơn và người dân tự ý mua thuốc không cần bác sỹ". Các nguyên nhân phổ biến được người dân đưa ra cho việc tự ý mua thuốc là "Tôi hiểu bệnh và nhu cầu của mình"; "Tốn thời gian ở bệnh viện/cơ sở khám bệnh"; "Thói quen và tiện đường".

Nghịch lý tiếp theo, ông Tân cho rằng "Việt Nam đang khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt nhưng phí dùng thẻ ngân hàng lại đang thuộc top cao trên thế giới".

 

Phí thẻ tín dụng của một số ngân hàng. Nguồn: Vibiz

Vấn đề thứ 5 trên thị trường tiêu dùng Việt Nam được Vibiz nhắc đến là "Giá ô tô thuộc loại đắt nhất thế giới". Một chiếc xe tại Việt Nam phải chịu các loại thuế như thuế nhập khẩu xe, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí cấp biển số...

 

Các mức thuế áp lên một xe ô tô tại Việt Nam. Nguồn: Vibiz

Nghịch lý thứ 6 là "Mức độ tiêu thụ bia tỷ lệ nghịch với thu nhập bình quân theo đầu người". Việt Nam đứng thứ nhất về tiêu thụ rượu bia ở Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á năm 2016. 77% đàn ông Việt Nam uống bia, trong khi tỷ lệ này ở thế giới là 43%.

So sánh mức tiêu thụ bia và GDP giữa Việt Nam với Thái Lan. Nguồn: Vibiz

Nghịch lý thứ 7 là "Người Việt dùng hàng fake quay lưng với hàng nội địa". Khảo sát thị trường thời trang Việt Nam năm 2015-2016, 57,3% người tiêu dùng tin rằng dùng hàng fake loại tốt vẫn có giá trị thương hiệu tốt hơn hàng Việt; 62,5% người tiêu dùng tin rằng hàng fake loại tốt chất lượng vẫn hơn hàng Việt; 53% người tiêu dùng dùng hàng fake vì giá hợp lý và mẫu mã đẹp.

Nghịch lý thứ 8 là "Người Việt chấp nhận trả giá cao để mua sự hiện đại và sành điệu của thức ăn nhanh ở Việt Nam". Theo kết qua một cuộc khảo sát của Vibiz, 86% khách hàng của các cửa hàng thức ăn nhanh có độ tuổi từ 20-35. Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành thức ăn nhanh là 18,4%/năm.

Tốc độ tăng trưởng ngành thức ăn nhanh. Nguồn: Vibiz

Nghịch lý tiếp theo, ông Tân cho biết "Giá lợn hơi thấp nhất trong lịch sử nhưng giá lợn trên thị trường vẫn cao gấp 2-3 lần". Có những thời điểm, giá thịt hơi chỉ đạt 46% so với giá hòa vốn.

Nghịch lý số 10 là "Xuất muối ăn ngon, nhập muối công nghiệp để làm thực phẩm". Theo Vibiz, giá muối sản xuất tại Việt Nam cao hơn nhiều so với giá muối nhập khẩu, doanh nghiệp lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế đốimvới nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất để nhập muối công nghiệp, nhưng sau đó lại bán ra thị trường để làm muối ăn, chế biến thực phẩm để tăng lợi nhuận.

Theo NĐH

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang