Xu hướng tiêu dùng đang chuyển từ mua sắm tại chợ, cửa hàng sang mua sắm online. Ảnh: Hữu Linh.
Bùng nổ xu hướng tiêu dùng
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với dân số đông thứ ba ở khu vực Đông Nam Á, gần 70% dân số thuộc độ tuổi lao động (16-60 tuổi), Việt Nam là thị trường lớn của ngành hàng tiêu dùng và có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng đang có sự thay đổi rõ rệt. Tại diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017” ngày 25/5, ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, với những tiện ích về cơ sở hạ tầng cũng như kết nối xã hội thuận tiện khiến hành vi tiêu dùng thay đổi, dẫn đến người tiêu dùng có xu hướng mua hàng đa kênh sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Theo đó, nhu cầu tiêu dùng có sự thay đổi lớn từ người giàu cho đến người nghèo, nhất là khi bước vào kỷ nguyên số. Cách đáp ứng nhu cầu tiêu dùng không chỉ đơn giản như ngày xưa là đến chợ, hay cửa hàng để mua sắm mà nay người tiêu dùng có thể ngồi nhà và mua hàng trên mạng.
“Điều này làm cho các tập đoàn phân phối lớn thế giới đứng trước khủng hoảng nếu vẫn tiếp tục bán hàng theo cách bày trên kệ, siêu thị, chứ không chỉ riêng doanh nghiệp nhỏ”, ông Nam nhận định.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Chaitanaya Kishore Reddy, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam cũng cho rằng, thị trường tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua.
Cụ thể, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2011-2014, từ đó thúc đẩy nhu cầu chi tiêu nhiều hơn và đòi hỏi nhận lại nhiều giá trị hơn từ những khoản chi tiêu đó.
Nghiên cứu của Nielsen cũng cho thấy sự gia tăng liên tục trong việc chấp nhận di động và thâm nhập băng thông rộng, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam đã đưa châu Á - Thái Bình Dương luôn vượt mức trung bình toàn cầu để áp dụng tất cả các lựa chọn bán lẻ trực tuyến và cung cấp dịch vụ trực tuyến qua thiết bị di động.
Đặt hàng online để giao hàng tận nhà là phương án bán lẻ linh hoạt được ưa chuộng nhất trong khu vực. Thực tế này cho thấy hoạt động tương tác, trao đổi thông tin, bán hàng trực tuyến thông qua các thiết bị di động đang được thực hiện và có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia phát triển thuộc châu Á-Thái Bình Dương và Việt Nam chính là một trong những điểm sáng tiêu biểu.
Tiêu dùng xanh
Như vậy, sự bùng nổ về xu hướng tiêu dùng, theo ông Nam, đặt ra vấn đề cấp bách cho các đơn vị sản xuất từ tập đoàn cho đến doanh nghiệp nhỏ phải nắm bắt được thì sản xuất mới thành công. Điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp phải hướng đến đối tượng khách hàng là người tiêu dùng kết nối, hay nói cách khác là mua hàng đa kênh.
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc, doanh nghiệp cần đưa ra được mô hình kinh doanh nhiều kênh, kết hợp cả online và offline, đặc biệt chú ý đến quảng bá thông tin chính thống, giá cả hợp lý.
Bởi theo nghiên cứu của Nielsen, khi mua sắm online không phải người tiêu dùng nào cũng thấy an toàn, ở Việt Nam chỉ khoảng 34% (người tiêu dùng có lo lắng bị hack khi chuyển tiền qua mạng, chất lượng, giá cả và chi phí logistics).
Hơn thế, điều khách hàng quan tâm trong 3-4 năm gần đây là yếu tố sức khỏe như thực phẩm, lối sống lành mạnh giữa công việc và vui chơi giải trí, nhưng họ quan ngại nhất vẫn là an toàn thực phẩm.
“Đây vừa là thách thức cũng là cơ hội để doanh nghiệp hiểu được quan tâm khách hàng khi đưa ra sản phẩm. Trong năm 2017, khuynh hướng người tiêu dùng với sản phẩm xanh vẫn sẽ là chủ đạo và thực tế cũng cho thấy những doanh nghiệp đi theo hướng sản xuất xanh sẽ thành công”, bà Hà đưa ra nhận định.
Có cái nhìn rộng hơn, ông Chaitanaya Kishore Reddy cho hay, những lĩnh vực được dự đoán khiến người dân Việt "mở hầu bao" nhiều hơn bao gồm giáo dục cho con cái, sản phẩm thức ăn và đồ uống, giải trí và chăm sóc sức khỏe.
Vị này chia sẻ: “Khi tiến hành khảo sát thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy phần lớn mọi người đều cho rằng "tiền nào của nấy" và đánh giá cao các mặt hàng quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đã tin tưởng và ưa chuộng hàng hóa sản xuất trong nước”.
Theo Hải Quan