Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: "mục đích của chương trình là tạo cơ hội thúc đẩy các thương hiệu Việt hướng tới tăng trưởng xanh để tạo một nền kinh tế xanh cho đất nước". Chất lượng xanh cũng là "vũ khí mềm" để thương hiệu chiến thắng.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Công ty Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường; Luôn đặt vấn đề sức khỏe vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm để cung cấp cho khách hàng và có một chiến lược trọng tâm về phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng cao, khoảng 4%. Chẳng hạn, đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5 - 11,4%. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường, có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh” và “sạch”.

Cụ thể hơn, người Việt quan tâm nhiều đến các vấn đề về nguồn nước sạch bị thu hẹp; bảo đảm tính bền vững của môi trường; các sản phẩm sử dụng nguồn cung ứng mang tính bền vững. Top 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt lần lượt là: Yếu tố có lợi cho sức khỏe (chiếm 77%); các sản phẩm hữu cơ, tự nhiên (chiếm 77%); niềm tin vào nhãn hàng (chiếm 75%); thân thiện với môi trường (chiếm 62%); có cam kết về giá trị xã hội (chiếm 61%). Đặc biệt, người tiêu dùng có nhu cầu được sử dụng các sản phẩm có cam kết bền vững rất lớn. Cụ thể, đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường thì tỷ lệ người tiêu dùng muốn có nhiều sản phẩm hơn trên thị trường đáp ứng yếu tố này chiếm 24%; đối với các sản phẩm có cam kết về giá trị xã hội chiếm 37%.
Đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh chỉ ra một số khó khăn, thách thức khi phát triển các thương hiệu xanh tại Việt Nam, như mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu: lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Vì phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Ngoài ra còn có vấn đề về công nghệ. Công nghệ xanh trên thế giới thì có rất nhiều, nhưng thực tế áp dụng ở Việt Nam thì còn hạn chế nhất định. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ xanh hiện đại nhưng đôi khi yếu tố con người, trình độ năng lực chưa theo kịp.
Một trong những giải pháp trước mắt của Cục Xúc tiến thương mại là hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh và sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình cấp nhãn sinh thái của Việt Nam (Nhãn xanh Việt Nam). Đồng thời, xây dựng tiêu chí cho các sản phẩm ưu tiên trên thị trường, nâng cao nhận thức về chương trình Nhãn xanh Việt Nam. Đặc biệt, thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau giữa Nhãn xanh Việt Nam và chương trình nhãn sinh thái của các nước khác, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường .
Theo vccinews