Cam kết từ phía Nhật Bản
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 4-8/6, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
Theo TTXVN, bản tuyên bố chung gồm 46 điều thể hiện 6 vấn đề lớn mà thủ tướng hai nước đạt được nhất trí. Trong đó, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là một nội dung quan trọng được thủ tướng hai nước quan tâm.
Nhật Bản khẳng định hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Việt Nam sẽ xem xét và thực hiện các biện pháp nhằm ưu tiên hàng đầu việc duy trì và mở rộng sản xuất xe nội địa nguyên chiếc. Hai bên sẽ thành lập nhóm công tác và đưa ra các biện pháp cụ thể trong một kế hoạch hành động được xây dựng từ nay đến cuối năm.
“Việt Nam sẽ xem xét và thực hiện các biện pháp cụ thể và mạnh mẽ, phù hợp với Hiệp định WTO, với mục đích duy trì và mở rộng việc sản xuất nội địa xe nguyên chiếc (CBU) như một ưu tiên hàng đầu. Hai bên sẽ thành lập nhóm công tác và đưa ra các biện pháp cụ thể trong một kế hoạch hành động được xây dựng từ nay đến cuối năm. Nhật Bản khẳng định hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.” - bản tuyên bố chung nêu rõ.
Nỗ lực từ phía Việt Nam
Không phải tới bây giờ Chính phủ mới có mong muốn xuất xưởng được một chiếc ôtô hoàn chỉnh. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Chính phủ đã kêu gọi nhiều hãng xe nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam.
Toyota, một doanh nghiệp xe hơi Nhật Bản đã đầu tư ở Việt Nam được trên 20 năm và luôn dẫn đầu về thị phần xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi. Tỷ lệ nội địa hóa của xe hơi Toyota cũng cao nhất nước, lên đến 40% đối với mẫu xe Innova.
Năm 2016, trong khi nhiều liên doanh đã dần chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc thay vì lắp ráp, thì một hãng xe Nhật khác là Mazda lại chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất xe.
Trường Hải đã thuyết phục được Mazda chuyển giao công nghệ và khởi công dự án sản xuất, lắp ráp 100.000 xe Mazda/năm với số vốn 500 triệu USD, tại Khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam).Theo dự kiến, những chiếc xe Mazda do Trường Hải sản xuất sẽ có tỷ lệ nội địa hóa 40%, đủ đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc ASEAN vào tháng 4/2018.
Trên thực tế, Mazda lựa chọn Trường Hải làm đối tác và Việt Nam để đặt nhà máy không phải là việc làm duy ý. Hãng xe Nhật Bản này cần nâng công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường đối với xe có ngôn ngữ thiết kế Kodo và sử dụng động cơ Sky Activ. Mazda cũng có cơ sở lắp ráp ôtô tại Thái Lan, dù không lớn. Tuy nhiên, năng lực và quyết tâm sản xuất ôtô của Trường Hải đã giúp Việt Nam lọt vào mắt của Mazda.
Có thể trong tương lai gần, tỷ lệ nội địa hóa sẽ không dừng lại ở mức 40%. Mazda đã chọn chuyển giao công nghệ thay vì biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc. Cùng với nỗ cam kết từ chính phủ hai nước, nhiều hơn những ôtô thương hiệu Nhật Bản sẽ được xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo Trí thức trẻ
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI