Việc đảm bảo an ninh tài chính là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế với tốc độ cao và ổn định.
Việc đảm bảo an ninh tài chính là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế với tốc độ cao và ổn định.
Điều này đòi hỏi Việt Nam phải sớm áp dụng chuẩn mực quốc tế hiện đại về giám sát rủi ro, nâng cao vai trò của cơ quan giám sát tài chính... Đây cũng là chủ đề được bàn thảo tại Diễn đàn “An ninh tài chính và cạnh tranh doanh nghiệp”, tổ chức sáng 25/7/2017.
Giám sát tài chính ngân hàng chưa đồng bộ
Tại Diễn đàn do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp Cục An ninh Tài chính Tiền tệ và Đầu tư tổ chức, các chuyên gia đánh giá, đảm bảo an ninh tài chính là vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia. Đặc biệt với Việt Nam, một nền kinh tế mới nổi, việc đảm bảo an ninh tài chính là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế với tốc độ cao và ổn định.
TS Võ Trí Thành cho biết, Việt Nam đang đi quá chậm trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong QTRR về vốn, tín dụng (Basel). Trong khi Việt Nam mới đang áp dụng Basel 1, và lựa chọn 10 ngân hàng thương mại để áp dụng thí điểm Basel 2 thì các nước xung quanh đã chuẩn bị áp dụng Basel 3.
Tại Việt Nam, các ngân hàng vẫn gặp không ít khó khăn trong áp dụng Basel 2 do thiếu các giải pháp căn bản như tăng vốn cổ đông, tăng tích lũy lợi nhuận… để đảm bảo năng lực tài chính mạnh. Nhiều ngân hàng phải áp dụng các biện pháp ngắn hạn để đảm bảo các hệ số theo tiêu chuẩn. Hầu hết các ngân hàng chỉ áp dụng chung chung cùng một hệ số rủi ro cho tất cả các khách hàng mà chưa dựa vào kết quả xếp hạng của ngân hàng và tổ chức xếp hạng độc lập.
Công tác phân tích, đánh giá rủi ro khách hàng của các ngân hàng thương mại được đánh giá còn bất cập, trình độ quản lý kinh doanh yếu, QTRR lỏng lẻo, năng lực thẩm định tín dụng còn dựa chủ yếu vào tài sản thế chấp…; bộ máy giám sát tài chính ngân hàng chưa được xây dựng đồng bộ.
Trong khi đó, về quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa được chuyển hoạt động theo mô hình ngân hàng trung ương nên Thanh tra ngân hàng vừa thực hiện thanh tra ngân hàng vừa thanh tra hành chính. Việc phân định chức năng, phối hợp nghiệp vụ và trao đổi thông tin giữa các cơ quan giám sát còn rời rạc, chưa có quy định cụ thể, hoạt động chồng chéo, phân cấp theo chiều ngang, không theo thông lệ quốc tế.
Cần có “Ủy ban Basel của Việt Nam”
Đề xuất các giải pháp để sớm áp dụng thành công Basel 2 tại Việt Nam, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Đại Lai cho rằng, các ngân hàng cần thay đổi mô hình tổ chức về QTRR, thành lập bộ máy QTRR từ cấp điều hành dọc xuống các chi nhánh và độc lập với kinh doanh. Đối với rủi ro tín dụng, các ngân hàng cần có hệ thống thông tin và kỹ thuật phân tích khả năng rủi ro trong tất cả các hoạt động nội bảng và ngoại bảng cân đối. Đồng thời, xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, chính sách dự phòng rủi ro, phân loại giới hạn tín dụng khách hàng.
Cùng với đó, quyền lực, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước trong QTRR cũng rất cần được tăng cường. TS Nguyễn Đại Lai nhấn mạnh việc cần cơ cấu lại Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia theo hướng xoá chức năng tư vấn, thay bằng chức năng quyền lực của cơ quan giám sát an ninh tài chính cấp nhà nước. Theo đó, Ủy ban này phải là cơ quan đầu mối, có quyền lực Nhà nước về giám sát toàn diện thị trường tài chính. Có quyền ban hành các tiêu chí an toàn, các nghĩa vụ bắt buộc về nhận báo cáo thông tin định kỳ tháng, quý, năm chính xác, kịp thời, minh bạch của các bộ, ngành về tài chính đối với mọi doanh nghiệp. Thậm chí, Ủy ban này có thể ví như là “Basel của Việt Nam”.
Sớm xóa bỏ các ngân hàng bao cấp
Về phía trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, Nhà nước cần có chế tài buộc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ, giảm số ngân hàng nhỏ, sớm xoá bỏ các ngân hàng bao cấp hay các chương trình cho vay kiểu hỗ trợ để tránh gây ra lợi ích nhóm, tiêu cực.
Đồng thời, cần triệt tiêu tình trạng sở hữu chéo ngân hàng để “tuyệt đối không có cái gọi là “ngân hàng A là của doanh nghiệp B” hay “doanh nghiệp B là của ngân hàng A”… Ngân hàng chỉ có thể sở hữu Định chế tài chính khác với tư cách là ngân hàng mẹ. Theo đó nước ta cần sớm có luật về hình thành mô hình tập đoàn tài chính để minh bạch sở hữu và độc lập hoá về trách nhiệm hình sự đối với từng pháp nhân độc lập trong tập đoàn tài chính.
“Luật NHNN và Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 cần sớm sửa nhiều nội dung liên quan đến định nghĩa tài sản có rủi ro, phân loại các TCTD thành ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, ngân hàng phát triển thay cho cách phân loại thành ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách và ngân hàng hợp tác xã như hiện nay”, TS Nguyễn Đại Lai đề xuất.
Cuối cùng, cần nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về quản lý tài chính, hoàn thiện các chỉ tiêu chủ yếu giám sát năng lực vốn của các ngân hàng theo Basel 2, Basel 3.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp đảm bảo an ninh tài chính, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, hệ thống các ngân hàng Việt Nam hiện nay tiềm lực tài chính còn mỏng và trình độ thấp, nếu không có ngay các biện pháp củng cố và giữ vững an ninh tài chính cho hệ thống các TCTD, thì không những các tổ chức này hoạt động không hiệu quả, rủi ro cao dẫn tới khủng hoảng tài chính - tiền tệ, mà còn gây ra đổ vỡ hàng loạt, theo dây chuyền, tác động xấu tới toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Theo TBTC