Đây là cuộc thảo luận và đối thoại về những nhu cầu, những vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với quản trị thương hiệu tại các doanh nghiệp Việt Nam; trao đổi về các chính sách hỗ trợ, bên cạnh đó đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Chương trình cũng tạo cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi với các chuyên gia hàng đầu về thương hiệu và marketing tại Việt Nam. Đồng thời, chương trình cũng tạo điều kiện để các chủ doanh nghiệp, cá nhân được cập nhật các thông tin và xu hướng marketing mới, bắt kịp xu thế của thế giới.
Thực tế chỉ ra rằng việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu là nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quản trị và phát triển bền vững thương hiệu nhằm mục tiêu tạo dựng và duy trì lợi thế cạnh tranh đã và đang là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tạo hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, ở nhiều doanh nghiệp, nhận thức về việc quản trị thương hiệu vẫn chưa được chú trọng đầu tư, nhận thức về quản trị thương hiệu chỉ dừng ở việc định vị, xác định cấu trúc thương hiệu và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu. Trong khí đó, xã hội, thị trường ngày càng có nhiều cạnh tranh, thách thức. Chính vì vậy, hiểu biết về quá trình quản trị thương hiệu sẽ giúp công ty tạo được vị thế cho mình trên thị trường.
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – Trưởng bộ môn Quản trị Thương hiệu Trường ĐH Thương mại chia sẻ: Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi ra thị trường thường chưa có định hướng rõ ràng; chưa chú trong khâu xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Điều này cũng là do thói quen. Còn chậm trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, xây dựng lô gô thường có sự trùng lặp, chưa có bản sắc riêng cho việc nhân diện thương hiệu một cách rõ ràng. Thậm chí còn chưa quan tâm đến vấn đề đăng ký thương hiệu ngay.Vì vậy làm thay đổi nhận thức cho doanh nghiệp về vấn đề bảo hộ thương hiệu là vấn đề vô cùng quan trọng.
TS. Thịnh đã dẫn kết quả khảo sát 115 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam trong thời gian từ tháng 6/2017 đến tháng 10/2017 của nhóm nghiên cứu độc lập về thương hiệu cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp này đang tiến hành hoạt động quản trị thương hiệu ở cấp độ thứ nhất (quản trị tập trung vào hệ thống nhận diện thương hiệu) rất cao, đến hơn 73% (có 121/ 165 doanh nghiệp), cho dù có những doanh nghiệp đã hoạt động trên thị trường từ gần 10 năm nay. Như vậy có thể thấy, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa thật sự tiếp cận đầy đủ về thương hiệu, phần đông vẫn cho rằng thương hiệu đơn giản chỉ là những dấu hiệu riêng để nhận biết về doanh nghiệp và sản phẩm, vì thế, ít quan tâm đến hoạt động quản trị thương hiệu; một số doanh nghiệp còn lúng túng và mất quá nhiều thời gian cho việc xác lập bộ nhận diện thương hiệu và bảo hộ cho chúng.
Trong tổng số 165 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 81 doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký bảo hộ cho các yếu tố thương hiệu, trong đó có 35 doanh nghiệp đã nhận được văn bằng bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu và 2 doanh nghiệp có văn bằng bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp, chưa có doanh nghiệp nào có văn bằng cho sáng chế. Có một tỷ lệ không hề nhỏ các doanh nghiệp sau khi bị từ chối bảo hộ đối với nhãn hiệu đăng ký (hoàn toàn có thể chỉnh sửa nhãn hiệu để nộp lại theo yêu cầu) đã từ bỏ luôn việc đăng ký.
Có thể nhận thấy, ngay cả những doanh nghiệp mới chỉ tập trung quản trị hệ thống dấu hiệu thì cũng chỉ có một số ít doanh nghiệp đã triển khai cơ bản các nội dung trong quản trị thương hiệu. Vì thế số doanh nghiệp gặp rắc rối trong quản trị thương hiệu (trực tiếp liên quan đến bộ nhận diện thương hiệu) là không hề nhỏ như trùng lặp, tranh chấp, bị chiếm dụng… Điều này có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn cho doanh nghiệp.
Để vấn đề quản trị thương hiệu thực sự hoàn thiện, là chìa khóa nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, theo các đại biểu tham dự hội thảo, doanh nghiệp cần tập trung làm tốt một số nội dung như: Xây dựng quyết tâm quản trị thương hiệu từ cấp lãnh đạo; định kỳ nghiên cứu thị trường và nhu cầu của khách hàng; tổ chức truyền thông thương hiệu; định kỳ đo lường sức khỏe thương hiệu để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh nói chung và chiến lược thương hiệu nói riêng… Có thể nói, với sự phát triển mạnh mẽ của hội nhập, giá trị thương hiệu ngày càng được coi trọng và là chìa khóa cho sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận gần hơn với khái niệm quản trị thương hiệu và làm tốt quản trị thương hiệu.
Cũng tại hội thảo, nhều chuyên gia đã chia sẻ các kiến thức cập nhật và bổ ích xoay quanh các chủ đề: Phương pháp đánh giá hiệu quả truyền thông thương hiệu; xây dựng thương hiệu bán lẻ thời trang may mặc tại Hà Nội; giá trị thương hiệu dựa trên khách hàng – góc tiếp cận tư duy chiến lược; tự đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý theo các tiêu chí giải thưởng chất lượng quốc gia để nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam; quản trị chuỗi cung ứng trong phát triển thương hiệu thời trang nhanh.
Theo Công Thương