Không thương hiệu, chiếc áo chất liệu tốt, thiết kế đẹp cũng khó bán!

Không thương hiệu, chiếc áo chất liệu tốt, thiết kế đẹp cũng khó bán!

Rất nhiều mẫu quần áo được sản xuất tại Việt Nam được gắn với thương hiệu nước ngoài được bán với giá 4-5 triệu đồng/chiếc, trong khi nếu gắn thương hiệu Việt, giá cao cũng chỉ được 800.000 đồng/chiếc. Đây là hệ quả của việc doanh nghiệp thiếu quan tâm tới thương hiệu sản phẩm.


ảnh 1

Thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam yếu thế hơn thương hiệu nước ngoài 

Chia sẻ tại hội thảo "Quản trị thương hiệu, hướng tới tương lai" diễn ra sáng nay (27-12), PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh- Thành viên Hội đồng tư vấn thương hiệu quốc gia cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam lâu nay vẫn loay hoay trong xây dựng thương hiệu.

"Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ tập trung vào việc nhận diện thương hiệu, làm sao để thương hiệu ấy tốt hơn, đẹp hơn mà chưa quan tâm tới việc quản trị phong cách thương hiệu, bản sắc riêng cho thương hiệu hay quản tri tài sản thương hiệu. Đây là việc xây dựng thương hiệu ở mức độ thấp"- PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh nói.

Chính vì lý do này mà trong lĩnh vực dệt may, các doanh nghiệp vẫn luôn phải gia công cho nước ngoài. Một chiếc áo sơ mi chất liệu tốt, thiết kế đẹp nếu không có thương hiệu thì rất khó bán; Nếu gắn với thương hiệu Việt Nam thì giá bán cao chỉ được 800.000 đồng/chiếc, nhưng nếu gắn thương hiệu nước ngoài, giá bán có thể lên tới 4-5 triệu đồng/chiếc. 

Giá trị thương hiệu sản phẩm của Việt Nam quá thấp vì doanh nghiệp chưa xây dựng thương hiệu đúng cách.

Chỉ xét riêng trong lĩnh vực dệt may, các sản phẩm của 1 thương hiệu như: Nhà Bè, May 10, Việt Tiến, An Phước hay Chic- Land, Ivy Moda, Nem... dù được rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn, nhưng giá trị lan tỏa của thương hiệu không bằng các thương hiệu của nước ngoài.

Một ví dụ khác trong việc thiếu quan tâm tới thương hiệu là một doanh nghiệp cà phê có tiếng trong và ngoài nước của Việt Nam cách đây vài năm rất chủ quan, không xây dựng thương hiệu. Sau đó, cà phê của hãng này bị nước ngoài chiếm mất thương hiệu. Lúc đó, cả doanh nghiệp, hiệp hội, chính quyền mới lao vào đòi lại thương hiệu, rất mệt mỏi và tốn kém.

Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, một cuộc khảo sát về mức độ quan tâm tới xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp tại 3 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Thái Nguyên và Thanh Hóa, tiến hành từ tháng 6 tới tháng 10-2017 cho thấy, chỉ có 81/165 doanh nghiệp được khảo sát trả lời đã đăng ký bảo hộ thương hiệu. 

Trong đó, chỉ có 35 doanh nghiệp đã nhận được đăng ký bảo hộ, gần 50 doanh nghiệp vẫn lúng túng. Thậm chí, có những doanh nghiệp đã 8 năm liền đi đăng ký thương hiệu nhưng chưa được. 

Nguyên nhân là do đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa có định hướng rõ ràng về thương hiệu. Thực tế cho thấy, khi thành lập công ty, đa số doanh nghiệp Việt Nam thường lấy tên vợ chồng ghép lại, khi xây dựng thương hiệu lại dựa trên tên đó. Rồi nếu doanh nghiệp kinh doanh nghiệp, nhận diện nhất định phải có bông lúa; Kinh doanh giáo dục, nhận diện phải có quyển vở, cây bút; Kinh doanh toàn cầu logo nhất định phải có quả địa cầu...

"Khả năng trùng lặp cao nên tỷ lệ đăng ký thành công bảo hộ thương hiệu không cao. Doanh nghiệp quá quan tâm nhồi nhét nhiều ý tưởng vào logo của mình mà quên mất sự khác biệt"- PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh phân tích.

Đáng chú ý, để xây dựng thương hiệu, nhiều doanh nghiệp đang dùng cách thức giảm giá. Theo các chuyên gia, "bẫy" giảm giá này không phải doanh nghiệp nào cũng "thoát" được, nhưng tùy từng ngành hàng, từng lĩnh vực, doanh nghiệp nên tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng thay vì bán giá rẻ bởi đây là cách xây dựng thương hiệu không bền vững. 

Theo ANTĐ

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang