Chuyên gia: Cần có gói hỗ trợ đặc biệt từ chính phủ cho người lao động dôi dư

Chuyên gia: Cần có gói hỗ trợ đặc biệt từ chính phủ cho người lao động dôi dư

Tinh giản biên chế là chính sách đúng đắn của Đảng nhưng vẫn cần có biện pháp phù hợp để giúp cán bộ, người lao động thuộc diện tinh giản ổn định cuộc sống.

Nguồn:VTC News

Thành lập quỹ bảo trợ chuyên biệt

Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Đảng và Nhà nước đang thực hiện tinh giản biên chế để bộ máy Nhà nước làm việc hiệu lực, hiệu quả hơn. Đây là chủ trương đúng đắn, được sự ủng hộ và đánh giá cao của dư luận, nhân dân. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ làm dôi dư nhiều cán bộ, người lao động.

“Vì thế theo tôi, cần có chính sách đảm bảo quyền lợi của người lao động dôi dư sau khi tinh giản, sáp nhập. Muốn làm được việc này, chúng ta cần tính đến thời gian cống hiến của từng người, vị trí công việc cụ thể để có mức hỗ trợ thỏa đáng, chứ không nên cào bằng. Chúng ta tinh giản nhưng phải làm trên tinh thần nhân văn, minh bạch thì mới thuyết phục được người dân”, ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng bày tỏ sự ủng hộ việc địa phương đã chủ động có đề xuất chi tiền để hỗ trợ thêm cho những người nghỉ việc do tinh giản biên chế. Ví dụ TP.HCM dự kiến dành khoảng 175 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ thêm cho trường hợp nghỉ do tinh giản biên chế, do dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính.

"Đó là một đề xuất rất tốt và cần thiết mà các tỉnh, tổ chức cần tham khảo. Tôi cho rằng chúng ta cần quy vào chế độ của Nhà nước và định ra thành thang bảng, chứ không cảm tính. Phải có sự chỉ đạo thống nhất từ cơ quan Trung ương đến địa phương và phải có tính toán cẩn thận, khoa học và nhân văn”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, cần có biện pháp phù hợp để hỗ trợ cán bộ, người lao động thuộc diện tinh giản biên chế. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia, cần có biện pháp phù hợp để hỗ trợ cán bộ, người lao động thuộc diện tinh giản biên chế. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động dôi dư sau khi tinh giản, sáp nhập là một vấn đề quan trọng nhằm bảo vệ người lao động và duy trì sự ổn định xã hội.

Theo ông Long, có nhiều biện pháp có thể hỗ trợ cán bộ, người lao động sau khi bị nghỉ việc giữa chừng. Ví dụ như tổ chức các khóa đào tạo nghề hoặc nâng cao kỹ năng để người lao động dễ dàng chuyển đổi sang công việc mới. Hoặc hỗ trợ tìm việc, thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để mở ra cơ hội khác cho người lao động.

Một biện pháp không thể thiếu là kịp thời hỗ trợ về mặt tài chính như đảm bảo mức trợ cấp hợp lý dựa trên thời gian làm việc và mức lương trước đó của họ; tạo điều kiện để người lao động nhanh chóng tiếp cận những khoản bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Thậm chí, cần có gói hỗ trợ đặc biệt từ chính phủ và các tổ chức chủ quản hay thành lập quỹ bảo trợ chuyên biệt để giúp người lao động”, ông Long đề xuất.

Cũng theo ông Long, đồng thời với việc hỗ trợ người lao động thì Chính phủ cũng nên có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng người lao động dôi dư sau sáp nhập. “Những chính sách này giúp bảo vệ quyền lợi cho người lao động, từ đó khiến họ duy trì niềm tin vào hệ thống quản lý của Đảng và Nhà nước, tích cực góp phần phát triển xã hội bền vững", ông Long phân tích.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phải đánh giá đúng cống hiến của người lao động để có sự hỗ trợ bằng tài chính cho phù hợp, giúp họ cảm thấy xứng đáng với những cống hiến trước đây.

Đây là một câu chuyện khó về mặt tài chính của quốc gia, của Chính phủ nhưng vẫn cần phải có chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách tiền lương thỏa đáng để cán bộ, người lao động cảm thấy vẫn được bảo vệ và đảm bảo cuộc sống sau khi phải nghỉ việc”, TS Nguyễn Bích Lâm nói.

Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng chúng ta thu ngân sách khá tốt. Đồng thời việc tiết kiệm chi về tài chính, công tác phí có thể giúp đảm bảo cho kinh phí tinh giản bộ máy", ông Lâm lạc quan nói thêm.

Đào tạo cho người chuyển việc và người ở lại

Ông Lâm cũng đặc biệt nhấn mạnh chúng ta cũng phải đánh giá đúng để tránh lãng phí chất xám cho xã hội. Những người tinh giản phải xứng đáng tinh giản, đừng để những người giỏi, người làm được việc phải tinh giản. Phải trọng dụng người có khả năng, trình độ, kiến thức.

Theo kỳ vọng của ông Lâm, chất lượng cán bộ sau tinh giản phải được nâng lên và đảm bảo tính kế thừa. Có như thế thì công cuộc tinh giản biên chế mới phát huy tác dụng, làm cho bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.

"Tránh tình trạng người có chuyên môn giỏi lại bị nghỉ việc, dẫn đến việc tinh giản giảm cả quân số và chất lượng", ông nói.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng cho rằng, việc tinh giản, sáp nhập không phải mới diễn ra ở nước ta. Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong giai đoạn này là sự khẩn trương, quyết liệt, mạnh mẽ hơn hẳn những lần khác. Trong giai đoạn này, để giảm thiểu tối đa những tiêu cực, cách tốt nhất có thể làm ngay là đào tạo cả cho người chuyển việc và người ở lại. Thứ nữa là hỗ trợ thu nhập cho người lao động ngay lập tức để họ có thời gian sắp xếp cuộc sống, công việc mới mình.

Ngoài ra, ông Thành khuyến cáo, điểm quan trọng không kém khi sắp xếp bộ máy, sắp xếp lao động chính là tiêu chí nào để xác định, phân loại. Nếu làm không tốt sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn, khó giải quyết ổn thỏa.

Ông Thành nêu 5 nhóm đối tượng cần được lưu tâm trong công cuộc tinh giản biên chế.

Đó là cán bộ, công nhân, viên chức thuộc diện dôi dư mà lớn tuổi hoặc gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện cần được đảm bảo quyền lợi như chế độ hưu sớm hoặc đào tạo kỹ năng để họ làm việc trong lĩnh vực khác.

Hiện nay, TP.HCM đã đế xuất trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; từ năm 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.

Thứ hai là người lao động thuộc diện hợp đồng ngắn hạn. Nhóm người này thường không có hợp đồng dài hạn và các quyền lợi bảo hiểm rõ ràng nên cần hỗ trợ về mặt tài chính hoặc cơ hội làm việc trong các vị trí việc làm khác.

Nhóm thứ ba là những người yếu thế trong xã hội như phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, người khuyết tật, người thuộc diện khó khăn về kinh tế. Nhóm người này cần được ưu tiên hỗ trợ đặc biệt về mặt tài chính, hỗ trợ đào tạo về mặt kỹ năng.

Nhóm thứ tư là những người đang làm việc ở vùng sâu vùng xa, là những người đã cống hiến lâu năm tại vùng xa như biên giới, hải đảo cần được quan tâm vì việc tái định cư hoặc chuyển đổi công việc của nhóm đối tượng này thường gặp rất nhiều khó khăn và thách thức lớn.

Nhóm thứ năm là những người có năng lực nhưng không phù hợp với vị trí hiện tại. Đây là những cá nhân có năng lực chuyên môn cao nhưng không phù hợp với cơ cấu tổ chức mới, cần được hỗ trợ đào tạo lại hoặc giới thiệu vào các lĩnh vực khác phù hợp hơn.

VTC News
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang