Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định, các tập đoàn lớn trên thế giới đang bắt tay tạo ra những "game" mới và điều đáng ngại là liệu các doanh nghiệp Việt có đủ năng lực để ứng xử với những "gã khổng lồ", các tập đoàn đa quốc gia hay không chứ chưa nói đến câu chuyện vốn hay công nghệ.
Doanh nghiệp Việt có đủ sức để ứng xử với các gã khổng lồ?
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định, thời điểm hiện tại dù nền kinh tế đã và đang trải quan giai đoạn khó khăn nhất nhưng giai đoạn hiện tại, thời đại này, kỷ nguyên này là đáng sống nhất.
"Tôi đã làm việc suốt những năm khó khăn của đất nước, từ khi Đổi mới, đến những năm phát triển và tăng tốc, mỗi thời kỳ có những vất vả, cơ hội khác nhau nhưng với ông, đây là kỷ nguyên đáng sống nhất và cũng là điểm mở đầu giai đoạn phát triển bền vững cho những năm tháng tiếp theo. Điều tôi thấy vui nhất là người ta nhìn thấy cơ hội trong khủng hoảng. Trước đây, nếu khó khăn thì chúng ta sẽ quen nghe chuyện gỡ khó, vượt khó; nhưng bây giờ, người ta nói với nhau, họ thấy cơ hội trong khủng hoảng, khó khăn”, ông Thành nói.
Về những khó khăn của kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại, ông Thành lại khái quát bằng 3 từ bất là bất ổn, bất định, bất an. Tăng trưởng kinh tế giới hiện tại chưa tốt nhưng vẫn đều đều.
Cũng theo quan điểm của ông Thành, dù thế giới trải qua những khó khăn chưa từng có nhưng tất cả đều lại nhắc nhiều tới cơ hội chưa từng có cho việc phát triển cơ hội kinh doanh.
“Ít nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, chưa bao giờ người ta nói nhiều về cơ hội như vậy”, ông Thành nói.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với nhiều biến động về địa chính trị toàn cầu, thương chiến, xung đột vũ trang - chiến tranh và biến đổi khí hậu. Bên cạnh khó khăn, vẫn còn đó những cơ hội xuất hiện giữa sự vận động mới của tiến bộ công nghệ của AI, cách mạng xanh, sự thay đổi về tư duy - lối sống và phương thức sản xuất.
Ông Thành cũng nhấn mạnh vào sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng trên toàn cầu. “Các tập đoàn lớn trên thế giới đang bắt tay tạo ra những 'game' mới và điều tôi lo là liệu các doanh nghiệp Việt có đủ năng lực để ứng xử với những 'gã khổng lồ', các tập đoàn đa quốc gia hay không chứ chưa nói đến câu chuyện vốn hay công nghệ”, ông Thành nói.
TS. Võ Trí Thành đánh giá năm 2024, sự tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khối ngoại, mức tăng trưởng 7,09% là đóng góp rất lớn của xuất khẩu với đóng góp lớn nhất từ nhóm doanh nghiệp FDI và nông sản, đầu tư công.
Kỳ vọng vào tăng trưởng của doanh nghiệp nội
Phân tích sâu về tình hình kinh tế vĩ mô, TS. Võ Trí Thành cho rằng nêu quan điểm, năm vừa qua, đầu tư tư nhân có tăng (7%) nhưng chỉ bằng một nửa so với mức thông thường (15%).
“Điều này chứng tỏ niềm tin của đầu tư tư nhân còn thấp, trong khi đó đầu tư công chưa đáp ứng được kỳ vọng. Tiêu dùng không còn là bệ đỡ cho tăng trưởng, mức tăng 5,8% còn thấp”, ông Thành nói.
Đưa ra dự báo năm 2025, TS Võ Trí Thành khẳng định yếu tố ngoại sẽ không nhiều thuận lợi, Chính phủ kỳ vọng nhiều hơn sự tăng trưởng vào khối doanh nghiệp nội. Chính Phủ sẽ áp dụng nhiều gói chính sách như giảm thuế phí, chính sách tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp... đã từng thực thi trước đó để kích cầu kinh tế nội địa.
Ông Thành nêu quan điểm, năm 2025 cần tập trung xây dựng nền móng vững chắc cho tăng trưởng và phát triển những năm tiếp theo.
Theo đó, Chính Phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm tạo ra sự phát triển của đất nước như sân bay Long Thành, hệ thống đường cao tốc Bắc Nam, hệ thống đường sắt đô thị ở các đô thị lớn; đảm bảo nguồn năng lượng cho sản xuất, đầu tư phát triển cảng biển hiện đại, năng lượng hạt nhân… Cùng với đó là hoàn thiện thể chế, quy định, khuôn khổ cho số và xanh.
Năm 2025, kinh tế toàn cầu được kỳ vọng bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ với nhiều sự kiện định hình tương lai kinh tế những năm tới.
Do đó, TS. Võ Trí Thành khuyên người Việt nên giữ vững tâm thế nhận ra khó khăn nhưng vẫn nhìn thấy cơ hội, suy nghĩ tích cực, biết phòng thủ và quan trị rủi ro, biết tận cơ và bắt nhịp xu thế.
“Năm mới, tôi tặng mọi người 5 từ thôi. Đầu tiên là giỏi kết nối - vốn xã hội quan trọng nhiều hơn tiền bạc. Thứ hai là khéo thích ứng, thứ ba là luôn sáng tạo, thứ tư là mạnh mẽ để hành động và cuối cùng là khát vọng. Giống như đất nước của chúng ta, chưa bao giờ có khát vọng lớn như lúc này. Đừng sợ thất bại, hãy ôm lấy thất bại - đó là điều dạy cho mình có nhiều tiền, thành công”, TS. Võ Trí Thành nói.