Việt Nam bứt phá vào nhóm thu nhập cao
Việt Nam bứt phá vào nhóm thu nhập cao
Theo cách tính mới từ 1/7/2024, mỗi người Việt cần thêm khoảng 170 USD để vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Theo cách tính mới từ 1/7/2024, mỗi người Việt cần thêm khoảng 170 USD để vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Cuộc bứt tốc ấn tượng
Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân của người VN năm 2023 đạt gần 4.347 USD/người, chính thức bước vào nhóm thu nhập trung bình cao. Nhưng theo cách tính mới từ 1.7.2024 trở đi, nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao bình quân trên đầu người từ 4.516 - 14.005 USD/đầu người, như vậy người Việt cần thêm khoảng 170 USD nữa để vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Tuy vậy, với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2024 giả sử đạt mức 6,5% và dân số tăng thêm không nhiều, mỗi người dân VN sẽ có thêm hơn 280 USD, vẫn thừa sức vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao với tiêu chí mới.
Ấn tượng hơn là về tốc độ tiến đến cột mốc này của VN so với các nước trong 40 năm qua. Dữ liệu cho thấy, trong giai đoạn 1986 - 2023, thu nhập bình quân đầu người của VN có sự cải thiện lớn nhất trong khối ASEAN, tăng 44 lần. Các quốc gia khác cũng có sự cải thiện nhưng chậm hơn. Đơn cử, Myanmar tăng 30 lần, Campuchia tăng 15 lần; Singapore tăng 9,6 lần; Indonesia tăng 9,5 lần; Thái Lan tăng 8,3 lần; Philippines tăng 6,8 lần; Malaysia tăng 6,2 lần; Lào tăng 3,8 lần và Brunei tăng 3,5 lần. Đáng chú ý, năm 1986, thu nhập bình quân đầu người của VN chỉ đạt khoảng 95 USD, thuộc nhóm thu nhập thấp. Đến năm 2009, con số này tăng lên 1.120 USD, đưa VN vào nhóm thu nhập trung bình thấp; trong khi Thái Lan mất 22 năm để "nâng cấp" lên nhóm các nước có thu nhập trung bình cao, Philippines mất 30 năm. Chúng ta cũng đặt mục tiêu sẽ tiến thêm 1 bước, vào "giới trung lưu" trong khoảng 20 năm, trước năm 2030. Thế nhưng mới chỉ 15 năm, kinh tế VN đã tăng trưởng nhanh để chính thức ghi danh vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao…
NGUỒN: WB
Những con số trên cũng tương ứng với thay đổi cơ cấu kinh tế của VN, chuyển từ thu nhập thấp dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp hóa với mức thu nhập trung bình thấp khá sớm. Ở thời điểm hiện tại, VN đang tiếp tục chuyển sang nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, nên việc đáp ứng tiêu chí mới về nước có thu nhập trung bình cao là khả thi.
Nông nghiệp cũng là thế mạnh trong xuất khẩu của VN. HẢI PHONG
GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế tài chính, phân tích: Thu nhập trung bình của người dân một quốc gia dựa trên GDP của quốc gia đó. Muốn tăng thu nhập của người dân, phải tìm mọi cách để tăng GDP. Với mức thu nhập bình quân hiện nay và định hướng tăng trưởng Chính phủ đặt ra 6,5% trong năm nay, gần như chắc chắn VN sẽ vào nhóm thu nhập trung bình cao. "Nhưng điều chúng ta phải hướng đến là thu nhập trung bình cao sớm hơn mục tiêu đề ra và phải cao nhiều hơn nữa, chứ đừng đứng ở mép "bẫy" ranh giới giữa thu nhập trung bình thấp và trung bình cao", ông Vinh nhấn mạnh.
Thăng trầm thu nhập của người dân
Khảo sát bỏ túi của Thanh Niên thực hiện với một số người về thu nhập cũng khá tương đồng với quá trình tăng trưởng kinh tế suốt nhiều thập niên qua. Có người thu nhập tăng mạnh nhưng vẫn chật vật xoay sở; có người đổi đời và còn nhiều người vẫn khó khăn.
11 năm gắn bó với TP.HCM, từ khi còn là sinh viên năm nhất "chân ướt chân ráo" từ Phú Yên vào thành phố học đại học, Quỳnh Như (30 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đã không ít lần nản chí vì bế tắc trong công cuộc tìm việc làm. Ra trường với tấm bằng cử nhân chuyên ngành văn học, Như "đầu quân" cho công ty của một người bạn chuyên viết nội dung quảng cáo, với thu nhập không vượt quá 5 triệu đồng/tháng. Riêng tiền thuê nhà, Như phải chi 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện, nước, xăng xe hằng ngày chạy đi chạy lại từ nhà đến cơ quan hơn 20 km... Có những tháng hết sạch tiền, Như phải xin bố mẹ chuyển bánh tráng và mắm mực từ quê vào để "sống qua ngày". Sau đó Như may mắn tìm được người quen giới thiệu qua một công ty truyền thông, tổ chức sự kiện với mức lương lên 10 triệu đồng/tháng, rồi tăng dần lên 17 triệu đồng/tháng, gấp 3 so với trước, nhưng vẫn khó khăn vì vật giá đắt đỏ hơn. Cơm áo gạo tiền vẫn đè bẹp nhiều hoài bão khi tới TP của Như. Phải tới lần chuyển việc thứ 3 cách đây hơn 2 năm với vị trí chuyên viên phòng truyền thông của 1 doanh nghiệp (DN) với mức lương hằng tháng chạm mốc 30 triệu đồng/tháng, Như mới cảm thấy hài lòng.
Các bạn trẻ vui chơi trước Bưu điện TP.HCM dịp lễ 30.4. Dạ Thảo
"Mình cảm thấy bản thân đang ngày càng hòa nhập tại thành phố này. Đặc biệt, hằng tháng mình còn để ra được một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai. Ngẫm lại, số tiền tiết kiệm mỗi tháng bây giờ của mình bằng đúng số lương mà 4 năm trước mình được nhận. Nhìn lại 11 năm, không ít lần rùng mình khi nghĩ tới những đoạn đường gồ ghề, khúc khuỷu, cảm giác sợ hãi, bất an của một đứa con gái nông thôn ngơ ngác nơi đô thị phồn hoa. Song những thành quả nhỏ bé này giúp mình biết ơn và bước tiếp, để trân trọng hiện tại, tiếp tục hy vọng về một cuộc sống ổn định tại thành phố này hơn nữa", Quỳnh Như nói.
Nền kinh tế xuất khẩu chủ đạo, tăng năng suất lao động sẽ giúp thu nhập người dân tăng. Nhật Thịnh
Cũng đã bước sang năm thứ 11 học tập và làm việc ở TP.HCM, cuộc sống của anh Hoàng Việt (40 tuổi, quê Thanh Hóa), nhân viên IT của một công ty công nghệ tại TP.HCM, thay đổi nhanh "vượt ngoài mong đợi". Ngày quyết định chuyển công tác vào TP.HCM, anh Việt chỉ hy vọng sẽ có được công việc ổn định với mức lương khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng, đủ để thuê 1 căn hộ chung cư và chi tiêu, sinh hoạt một mình. Nhưng nhờ sự năng động và may mắn, ngoài công việc chính ở công ty, các mối quan hệ mở rộng ở thành phố lớn mang đến nhiều cơ hội để anh có thêm các nghề tay trái, rồi đầu tư vào đất đai, chứng khoán… Giờ mỗi tháng, anh Hoàng Việt có thể kiếm được gần 100 triệu đồng.
"Tôi vừa mua được 1 căn hộ 2 phòng ngủ tại 1 chung cư trung cấp và chuẩn bị đón em trai vào ở cùng. Chưa bao giờ tôi nghĩ có thể mua được nhà ở thành phố, điều này thật sự vượt ngoài mong đợi của tôi. Thu nhập tăng nhanh không chỉ vì tôi làm việc chăm chỉ mà một phần lớn là nhờ các hình thái kinh tế, dịch vụ mới xuất hiện, đặc biệt là công nghệ phát triển đã giúp công việc của dân IT như chúng tôi có nhiều cơ hội hơn. Các dịch vụ tài chính giúp chúng tôi có thể tiết kiệm tiền dễ dàng hơn, vay ngân hàng hoặc mua nhà theo tiến độ với phần chi phí phù hợp hơn… Tất cả những điều này giúp chất lượng cuộc sống ngày càng tăng lên", anh Hoàng Việt hào hứng kể.
Giới trung lưu VN ngày càng tăng. Lê Thanh
Ngược lại, nhiều người lại rơi vào cảnh "phú quý giật lùi" khi công ty không vượt qua được thử thách đại dịch và khủng hoảng kinh tế kéo dài gần 5 năm qua. Chị N.H chia sẻ, thu nhập của chị đã giảm gần một nửa so với trước dịch Covid-19 do cơ quan giảm lương. Năm 2019, với vị trí trưởng phòng của một DN cỡ vừa, thu nhập của chị khoảng 40 triệu đồng/tháng. Khi đại dịch Covid-19 ập đến, công ty đã 3 lần giảm lương do không có doanh thu. "Sếp động viên cố gắng khi nào hết dịch, công việc trở lại, doanh thu trở lại thì sẽ tăng lương trở lại. Thế nhưng dịch qua thì lại khủng hoảng kinh tế thế giới, rồi chiến sự gây đứt gẫy chuỗi cung ứng, lạm phát ở các nước phát triển... tác động đến kinh tế VN và cộng đồng DN trong nước. Doanh thu công ty không phục hồi mà ngày một thụt lùi nên chúng tôi lại tiếp tục bị giảm lương, giờ chỉ còn 21 triệu đồng/tháng, bằng một nửa so với trước", chị N.H nói. Đó cũng là tình cảnh của rất nhiều người và hy vọng duy nhất của họ là được phục hồi thu nhập.
Cơ hội VN bứt phá nâng thu nhập rất lớn. Nhật Thịnh
Biến "dân số vàng" thành vàng khối
Nhìn lại tăng trưởng kinh tế của VN, GS Hà Tôn Vinh đặt vấn đề, VN có tốc độ tăng trưởng tốt, nhưng tại sao lại khá vất vả để được coi là quốc gia có thu nhập trung bình cao? Một trong những lý do là dân số đông, nền kinh tế chú trọng xuất khẩu nhưng chi phí nhân công thấp, bởi chiếm phần lớn khâu gia công, lắp ráp. "Xuất khẩu mang về hàng trăm tỉ USD, nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn không đạt như kỳ vọng vì chúng ta gia công là chủ yếu. Thế nên, tuy nhìn vào thu nhập của người này, người kia thuộc khối văn phòng, kinh doanh… tăng rất nhanh, rất tốt trong vòng 10 - 15 năm qua, song số đông người trẻ vẫn là công nhân, lao động phổ thông, thu nhập không có mức tăng lý tưởng như vậy, đã kéo mức thu nhập bình quân mỗi người lại thấp", GS Vinh nói.
Dân số vàng là lợi thế để VN tăng năng suất, tăng thu nhập. Nhật Thịnh
Phân tích về thành quả đạt được của VN trong 30 năm qua, GS.TS Ngô Thắng Lợi (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) nhận định VN đã đạt được 2/3 "cửa ải" lớn. Đó là đảm bảo được an ninh lương thực và vượt qua được mức thu nhập trung bình thấp, xây dựng nền tảng cho một nước công nghiệp. Mục tiêu thách thức thứ ba chưa vượt qua được là trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
"Quá trình phát triển của VN cũng bộc lộ nhiều bất cập khi tăng trưởng đang có dấu hiệu hụt hơi theo thời gian. Biên độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm và chưa đủ mạnh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội. Ngoài ra, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm dần (hiệu quả đầu tư, năng suất lao động), nhất là những năm gần đây và ở mức khá thấp so với các nước từng ở cùng thời kỳ như VN (Hàn Quốc, Nhật Bản…), làm giảm khả năng gia tăng thu nhập của nền kinh tế", ông Lợi chỉ ra và cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ mô hình phát triển theo hướng dàn đều, vừa không phát huy được động lực của vùng trọng điểm, cũng như chưa phát triển được vùng còn yếu kém. "Các vùng động lực chưa đủ đòn bẩy để phát triển đột phá. Vùng chậm phát triển lại đang "bế quan tỏa cảng" so với các vùng khác", GS.TS Ngô Thắng Lợi nhận xét. Vì vậy theo ông, cần phải ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng nhanh cho vùng động lực, đồng thời xây dựng chính sách kết nối vùng động lực với các vùng khác, đặc biệt là các vùng chậm phát triển để họ trực tiếp tham gia quá trình tạo thu nhập. Tạo ra sân chơi bình đẳng cho cả ba loại hình DN, chú trọng hơn nữa chính sách cho khu vực tư nhân, đề cao vai trò của các "sếu đầu đàn".
Đồng quan điểm, GS Hà Tôn Vinh nhận xét, trong nền kinh tế hiện nay, năng suất lao động của khối DN có vốn nước ngoài (FDI) khá cao, vì đây là khối cạnh tranh với thế giới. Trong khi khối DN trong nước thì năng suất lao động vẫn là thách thức. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ngay cả những "con chim đầu đàn" cũng phải xoay xở, chật vật thì những con chim trong đàn làm sao trụ nổi? "Dân số VN nay chính thức vượt con số 100 triệu, nếu không đẩy mạnh tăng trưởng GDP, giữ phát triển ổn định, đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu, hỗ trợ DN tối đa thì mục tiêu "nâng cấp trung lưu" cho người dân rất khó đạt. VN là một trong những quốc gia duy trì được tốc độ phát triển rất nhanh sau đại dịch. VN có lợi thế là nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương và là điểm đến của dòng vốn FDI, cũng như là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta phải tận dụng cơ hội này để bứt lên", ông Vinh nhấn mạnh.
Thu nhập của người Việt trẻ tại các TP lớn tăng tốt. Dạ Thảo
Từ một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng thời kỳ dân số vàng là cơ hội có một không hai để các quốc gia phát triển KT-XH và nó chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia. "Dân số vàng thì hãy biến nó thành vàng khối thật, chắc chắn và gắn với mục tiêu, khát vọng phát triển mà đất nước đưa ra. Cần lưu ý là thời kỳ vàng này cũng không còn nhiều, chưa tới 10 năm, đủ để tập trung vào 2 nhánh chính là phát triển sản xuất kinh doanh và lao động có tay nghề. Đặc biệt, VN nay đã có chiến lược đẩy mạnh phát triển công nghiệp bán dẫn, tham vọng trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư chip, bán dẫn. Chiến lược hợp tác đào tạo nhân lực cũng đã được các viện, trường triển khai. Nhiều tín hiệu tốt cho thấy cơ hội nâng chất lao động VN khá cao trong tương lai gần", TS Võ Trí Thành kỳ vọng.
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI