Thị trường bánh kẹo Tết: Nỗ lực cạnh tranh mạnh mẽ của các thương hiệu nội

Thị trường bánh kẹo Tết: Nỗ lực cạnh tranh mạnh mẽ của các thương hiệu nội

Bánh kẹo là mặt hàng không thể thiếu trong các gia đình Việt cũng là quà biếu tặng giàu ý nghĩa mỗi dịp Tết đến xuân về. Như thường lệ, vào thời điểm này hàng năm, thị trường bánh kẹo Tết lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết…


Cuộc “đổ bộ” của các thương hiệu ngoại

Những năm gần đây, chính sách mở cửa và hội nhập của nền kinh tế thu hút lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại thị trường Việt Nam, kèm theo đó là cuộc “đổ bộ” của nhiều thương hiệu bánh kẹo ngoại nhập. Nếu như những năm trước, với bánh kẹo ngoại, người tiêu dùng chỉ thường gặp những thương hiệu truyền thống từ Châu Âu như Danisa (Đan Mạch), Lambertz (Đức), Choclairs, Lu (Pháp) thì năm nay thị trường còn “nở rộ” các thương hiệu từ Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc…

Dạo qua các siêu thị và nhiều điểm bán lẻ, người tiêu dùng rất dễ bị “choáng ngợp” trước vô số mặt hàng với bao bì in đủ thứ tiếng.

Thi truong banh keo Tet: No luc canh tranh manh me cua cac thuong hieu noi hinh anh 1

Bánh kẹo ngoại được bày bán “ồ ạt” 

Ưu điểm của những sản phẩm ngoại nhập là có xuất xứ từ những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, mẫu mã vô cùng sang trọng, bắt mắt, rất thích hợp để mang đi biếu tặng. Tuy nhiên, nếu không có “chủ đích” trước một sản phẩm nào, khi đi chọn lựa sắm Tết, người tiêu dùng rất dễ bị “lạc” vào “ma trận” hàng hóa tại các điểm bán.

Chị Phương Hoa (quận Đống Đa) chia sẻ: “Ngày xưa thời bao cấp, người dân không có nhiều lựa chọn, xếp hàng dài mà mua được chút bánh kẹo ngày tết là rất vui rồi, việc lựa chọn vì thế cũng đỡ phức tạp. Giờ đây có nhiều lựa chọn hơn, hàng ngoại cũng rất hấp dẫn vì mẫu mã đẹp tuy nhiên giá thành lại cao, tình trạng đội giá vào những ngày cận Tết cũng xảy ra khá nhiều, chưa kể còn có thể bị mua phải hàng giả hàng nhái nếu không tìm hiểu kỹ nên tôi rất băn khoăn khi lựa chọn…”.

Thi truong banh keo Tet: No luc canh tranh manh me cua cac thuong hieu noi hinh anh 2

 Hình ảnh xếp hàng mua mứt Tết thời bao cấp trong trí nhớ chị Hoa

Không chỉ khiến người tiêu dùng “hoa mắt”, cuộc “đổ bộ” của vô số các thương hiệu ngoại nhập này cũng khiến các doanh nghiệp Việt đối mặt với “bài toán” cạnh tranh ngày một gay gắt hơn. Tuy nhiên, không bởi vậy mà hàng Việt trở nên “yếu thế”. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp “nội” đã nhanh chóng bắt kịp thời thế, không ngừng cải tiến để mang đến những sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng đúng nhu cầu của người Việt.

Thương hiệu nội: Nỗ lực cạnh tranh và sứ mệnh gìn giữ văn hóa Việt

Nếu như các mặt hàng ngoại nhập thu hút người tiêu dùng bởi sự mới lạ, bắt mắt thì ưu thế giúp bánh kẹo “nội” đứng vững trên thị trường là mang đậm nét văn hóa, phong tục truyền thống, gắn bó lâu đời với tâm hồn của người Việt.

Sự phát triển của cuộc sống khiến thói quen mua sắm của người dân cũng có nhiều thay đổi, giờ đây sản phẩm không những cần có hình thức tốt, hương vị hấp dẫn mà còn cần đảm bảo về mặt dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Theo một số khảo sát thị trường, đại đa số người mua cho biết: Dù là “nội” hay “ngoại” thì những dòng sản phẩm chất lượng, sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, không có hóa chất… vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Trước thực tế đó, các doanh nghiệp “nội” cũng nhanh chóng lựa chọn cho mình những chiến lược khác nhau. Một số doanh nghiệp thì cho ra những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu, tập trung vào các sản phẩm giỏ quà, quà tặng tiện lợi, vừa giúp “đẩy” hàng hiệu quả, vừa khiến người tiêu dùng dễ lựa chọn hơn. Nhiều doanh nghiệp khác lại quyết định sẽ bền bỉ theo đuổi những sản phẩm truyền thống lâu đời.

Ông Vương Trọng Tuấn – Phó giám đốc Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội – Thương hiệu gắn liền với truyền thống của người Việt cho biết: “Thị trường cạnh tranh như vũ bão nhưng “chân lý” chúng tôi theo đuổi vẫn là gìn giữ hương vị truyền thống. Mứt tết bánh kẹo Hà Nội bao năm nay vẫn gắn liền với sự đoàn viên, sum vầy, những ước mong may mắn và phát đạt của người Việt dịp năm mới. May mắn của chúng tôi là vẫn có một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt cùng đồng hành, những ngườiluôn coi mứt Tết là thức quà không thể thiếu trên bàn trà mỗi dịp đầu xuân".

Thi truong banh keo Tet: No luc canh tranh manh me cua cac thuong hieu noi hinh anh 3

 Mứt tết vẫn là một trong những mặt hàng truyển thống không thể thiếu với người Việt dịp đầu xuân

Nhưng không chỉ có vậy, ông Tuấn cũng cho biết: “Bên cạnh việc giữ gìn trọn vẹn hương vị truyền thống của sản phẩm thì Bánh mứt kẹo Hà Nội cũng không hề“đứng yên” khi thị trường thay đổi, những năm gần đây, công ty đặc biệt chú trọng cải tiến về mặt hình thức, vẫn những họa tiết dân tộc mang đậm không khí xuân nhưng được đầu tư hơn, vừa hợp để bày trên bàn trà ngày tết, mang đi biếu tặng cũng rất được người nhận “hoan nghênh”…

Ngoài mứt truyền thống, Bánh mứt kẹo Hà Nội cũng cho ra mắt những loại mứt mới với hương vị độc đáo như: Mứt cà chua, mứt hồng bì, hibicus, mứt xoài… Đặc biệt, các sản phẩm đều được chú trọng sao cho giữ được hương vị tự nhiên nhất và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm mang đến chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng”.

Thi truong banh keo Tet: No luc canh tranh manh me cua cac thuong hieu noi hinh anh 4

Vẫn vẹn nguyên hương vị truyền thống nhưng bao bì của mứt tết đã được cải tiến để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng 

Trước những nỗ lực cạnh tranh cùng nhiều cải tiến của các doanh nghiệp Việt, thị trường cũng có nhiều đón nhận tích cực. Anh Tuấn Hùng, chủ cơ sở kinh doanh lẻ trên phố Hàng Đào chia sẻ: “Tuy cửa hàng nhập sản phẩm nội, ngoại với tỷ lệ tương đương nhau nhưng nhiều khách hàng vẫn lựa chọn hàng nội vì phù hợp để thưởng thức, tiếp khách rất hợp mà mang đi biếu tặng cũng nhiều ý nghĩa. Gần đây các công ty “nội” cũng có nhiều chế độ chăm sóc người bán chu đáo như tăng chiết khấu, giao hàng ngay. Còn nhập hàng ngoại nếu bị hư, lỗi gì người bán phải chịu hết…”.

Ở góc nhìn người tiêu dùng, chị Phương Hoa cho hay, sau nhiều băn khoăn, chị cũng quyết định chọn hàng nội vì xuất xứ rõ ràng, mẫu mã cũng rất bắt mắt lại phù hợp với văn hóa Việt. “Bánh kẹo ngoại gì thì cũng “thua” mứt Tết của người Việt hết thôi” – chị cười.

Có thể thấy, tuy thị trường bánh kẹo những ngày cận Tết vẫn đang cạnh tranh “khốc liệt”, nhưng với tâm lý sắm Tết an toàn, “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cùng sự cải tiến không ngừng của các doanh nghiệp Việt, các sản phẩm hàng nội vẫn chiếm được vị thế nhất định tại nhiều điểm bán.

“Chúng tôi tin người Việt Nam không bao giờ từ bỏ những gì thuộc về truyền thống, và càng ngày người ta càng quay về với truyền thống. Sản phẩm của chúng tôi là mứt dân tộc và nhiệm vụ của chúng tôi là gìn giữ và tôn vinh nó, nhất quyết không để mất” – ông Tuấn khẳng định.

Theo VTCNews

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang