Hàng ngoại đổ bộ thị trường Việt Nam
Từ năm 2015, Bosch - một thương hiệu nổi tiếng châu Âu về đồ gia dụng đã chỉ định 3 DN phân phối, bảo hành tại Việt Nam gồm Công ty TNHH Nhập khẩu châu Âu (EU-Imports), Công ty CP Vina Hafele và Công ty CP Thương Mại HMH Việt Nam. 3 DN này cung cấp các sản phẩm của Bosch như máy giặt, lò nướng, lò vi sóng, các thiết bị bếp, máy hút khói, tủ lạnh và các thiết bị gia dụng khác. Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, hiện Bosch đã có 18 showroom tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự kiến trong năm 2018 sẽ tiếp tục mở thêm 4 showroom.
Người tiêu dùng mua hàng gia dụng tại siêu thị HC. Ảnh: Lê Nam
Trong khi đó, Tập đoàn Elmich - thương hiệu gia dụng cao cấp của châu Âu cũng chọn Việt Nam làm địa chỉ đầu tư. Sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam, Elmich đã đầu từ 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy Elmich tại KCN An Mỹ - Đồn Xá, tỉnh Hà Nam. Mới đây, 16 DN Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trong lĩnh vực hàng gia dụng, đồ dùng nhà bếp... đã ký hợp tác với DN Việt Nam đưa sản phẩm Thổ Nhĩ Kỳ thâm nhập thị trường nước ta.
Thực tế tại các hệ thống cửa hàng, siêu thị điện máy cho thấy, hầu hết các sản phẩm gia dụng có tính “thông minh”, tiện dụng thì 80 - 90% là hàng nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, lượng hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh nhập khẩu từ Thái Lan đứng thứ 2 trên thị trường, sau hàng Trung Quốc. Ngay cả mặt hàng đồ nhựa gia dụng cũng xuất hiện hàng ngoại nhập như thương hiệu Lock&Lock của Hàn Quốc với hơn 20 cửa hàng và 300 kênh bán hàng bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại.
Khai thác tốt thị trường nông thôn
Trước sức ép cạnh tranh từ phía DN nước ngoài trong ngành hàng gia dụng, các DN nội địa đã và đang đẩy mạnh đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết, muốn giữ vững thị phần hàng gia dụng, DN phải nắm rõ thị hiếu người tiêu dùng. Chẳng hạn với sản phẩm chảo, người Việt Nam lại thích sử dụng chảo nhiều công dụng trong quá trình chế biến thức ăn hơn là chỉ có một chức năng. Vì vậy, Sunhouse đã đầu tư sản xuất sản phẩm chảo chống dính phù hợp với nhiều chức năng sử dụng. Đến nay, sản phẩm chảo chống dính Sunhouse chiếm lĩnh tới 40 – 50% thị phần tại các siêu thị, ở nông thôn tới 60 – 70%.
Thông tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, thời gian gần đây, nhiều DN nhựa đã tận dụng các chính sách hỗ trợ vay vốn, qua đó tiếp cận công nghệ, mở rộng đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Điển hình, Công ty Nhựa Song Long đã mạnh dạn thế chấp nhà xưởng vay tiền mua trang thiết bị, máy móc hiện đại, tổ chức lại sản xuất, từ đó tung ra hàng loạt sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay, đã có hơn 500 mặt hàng mang nhãn hiệu Song Long được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, Lào và Trung Quốc.
Khi nói về dư địa cho hàng gia dụng Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nêu rõ: DN Việt nếu xây dựng được chiến lược khai thác thị trường phù hợp thì dù có sự “đổ bộ” của thương hiệu cao cấp trên thế giới, hàng Việt vẫn có thể giữ được chỗ đứng. Đặc biệt, khu vực nông thôn còn thiếu nhiều mặt hàng phù hợp thị hiếu và khả năng chi trả của người tiêu dùng. Vì vậy, việc chú trọng vào thị trường bình dân, khu vực nông thôn là một hướng đi tốt để khẳng định chỗ đứng của DN Việt.
Điều đó cho thấy, muốn giữ vững thị phần hàng gia dụng trước sức ép cạnh tranh từ DN nước ngoài, đòi hỏi DN Việt Nam bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng, cần xây dựng chiến lược marketing sản phẩm tới người tiêu dùng và khai thác tốt phân khúc thị trường trung cấp, bình dân ở nông thôn.
Theo KTĐT