Sự chuyển mình của DN
Là DN duy nhất trong lĩnh vực cửa và vách nhôm kính lớn được công nhận thương hiệu của quốc gia (THQG) qua 6 năm liên tiếp (2012 – 2016), ông Nguyễn Thanh Trình - Giám đốc kinh doanh nước ngoài Công ty cổ phần Eurowindow cho biết, DN luôn xác định khi đạt THQG thì thương hiệu không còn chỉ là của riêng DN mà còn là thương hiệu tiêu biểu của quốc gia. Chính vì thế, DN cần phải có trách nhiệm cao hơn rất nhiều với thương hiệu của mình.
Thương hiệu là tài sản có giá trị rất lớn đối với mỗi DN
Hiện tại, thương hiệu Eurowindow đã ngày càng khẳng định uy tín vững mạnh trên thị trường. Nếu như năm 2012, Eurowindow đạt doanh số hơn 1.500 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã cán mốc 3.200 tỷ đồng và mục tiêu năm 2018 là 4.500 tỷ đồng. Sau 6 năm được công nhận THQG, doanh số của Eurowindow đã tăng cao gấp 3 lần. Thành tựu này đạt được nhờ sự cộng hưởng của THQG và nỗ lực của chính Eurowindow, ông Trình cho biết thêm.Để xứng đáng là THQG, tăng sức cạnh tranh với DN nước ngoài, Eurowindow đã không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, đầu tư công nghệ, gia tăng năng suất lao động, mang đến những sản phẩm tốt nhất.
Tầm nhìn của Eurowindow là tiếp tục khẳng định vị thế nhà cung cấp giải pháp tổng thể về sản phẩm cửa dẫn đầu Việt Nam, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng hoàn thiện khác và từng bước vươn tầm quốc tế. Eurowindow đang hiện thực hóa tầm nhìn bằng việc mở rộng thị phần tại Việt Nam và phát triển vươn xa ra thị trường vật liệu xây dựng quốc tế, trở thành nhà cung cấp các sản phẩm về cửa uy tín tại nhiều nước khác nhau trên thế giới. Tới nay, Eurowindow đã đăng ký thành công nhãn hiệu hàng hóa tại nhiều quốc gia. Năm 2017, Eurowindow cũng đã chính thức khai trương văn phòng đại diện và showroom tại Myanmar, tiến tới xây dựng nhà máy, chuyển giao công nghệ sản xuất và đẩy mạnh khai thác thị trường Myanmar cũng như các nước khác trong khu vực.
Theo các chuyên gia, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề thương hiệu của DN ngày càng có vị thế quan trọng và là tài sản có giá trị rất lớn đối với mỗi DN, góp phần tạo nên THQG. Ở chiều ngược lại, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đạt THQG nhờ tăng cường được nhận diện đã nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) nhận định, hiện chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng THQG để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai chương trình xây dựng THQG gắn với vấn đề hội nhập và phát triển xuất khẩu là phù hợp với xu hướng chung.
Cạnh tranh bằng thương hiệu
Mặc dù vai trò của THQG là hết sức quan trọng, tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số rất ít sản phẩm xây dựng được THQG.
PGS – TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đồng thời là thành viên Ban cố vấn chương trình THQG chia sẻ, cho đến thời điểm này không ít DN chưa hình dung đầy đủ về công cụ cạnh tranh cho mình. Khảo sát 300 DN năm 2017 câu hỏi sử dụng công cụ nào để nâng cao lợi thế cạnh tranh, 80% câu trả lời là tăng chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Câu trả lời này đúng nhưng không đủ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, TS.Võ Trí Thành nhìn nhận, với sự nỗ lực của các bộ, ngành không ít thương hiệu Việt đã gây dựng được niềm tin cho đối tác và người tiêu dùng. Đã có thương hiệu được định giá hàng tỷ USD như Viettel, hàng trăm triệu USD như Vinamilk, Hòa Phát. Như vậy, nhìn rộng ra chương trình này không chỉ gắn với THQG mà nó gắn với sản phẩm Việt, người Việt. Tuy nhiên, chuyên gia Võ Trí Thành cũng thừa nhận, mặc dù phát triển XK, tốc độ tăng XK cao nhất trong 15 năm qua nhưng tốc độ và nhìn nhận thương hiệu Việt song hành với XK không tương xứng. Chữ Việt trong sản phẩm XK còn khá mờ nhạt.
Ông Ngô Chung Khánh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công thương) cho biết, sự tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thời gian qua của Việt Nam, mới đây nhất Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã khiến việc xây dựng THQG cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Bởi lẽ việc mở cửa thị trường cùng nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% sẽ khiến sản phẩm nước ngoài vốn đã có uy tín và chất lượng toàn cầu sẽ được người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy DN nội nếu không có thương hiệu sẽ thua ngay trên sân nhà.
Để thương hiệu của DN phát triển ra thế giới, mang tầm quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của tổ chức xây dựng lên những chương trình THQG phải có hỗ trợ để quảng bá THQG, thương hiệu DN mang tầm quốc gia thì DN mới dám tự tin phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, trước thực tế hiện nay nhiều sản phẩm của DN lớn đang bị làm giả, làm nhái, các DN kiến nghị chương trình THQG sẽ sớm được luật hóa để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, là nền tảng thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN. Xây dựng THQG là cả một quá trình lâu dài. DN đạt THQG là đã được tiếp thêm sức bật để phát triển toàn diện hơn.
Theo TBNH