Bài toán xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp

Bài toán xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp

Xây dựng thương hiệu là khâu quan trọng với không chỉ doanh nghiệp đứng vững trên thị trường mà cả các doanh nghiệp mới bước chân vào con đường khởi nghiệp.


Thương hiệu như một lời giới thiệu, một thông điệp gửi gắm đến khách hàng. Một thương hiệu mạnh là thương hiệu mang lại giá trị cao, tạo dựng được uy tín với khách hàng. Nhờ đó, quá trình tìm hiểu thông tin, so sánh với các thương hiệu sản phẩm khác sẽ được rút ngắn, quyết định mua hàng sẽ diễn ra nhanh hơn.

7-buoc-danh-cho-startup-bat-dau-xay-dung-thuong-hieu.jpg

Nếu chất lượng của hàng hoá đáp ứng nhu cầu của người mua thì thói quen mua hàng sẽ dần hình thành, tạo nên sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kết quả tiêu thụ.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ vừa và khởi nghiệp ở Việt Nam chưa có ý thức xây dựng thương hiệu. Họ cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là quá trình tốn kém và chỉ phù hợp cho những doanh nghiệp lớn “mạnh gạo, bạo tiền”. Điều này dẫn đến nhiều hạn chế trong cạnh tranh. Đã có nhiều người Việt quay lưng lại với các sản phẩm của chính doanh nghiệp trong nước, ưu tiên hơn cho các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài, mặc dù sản phẩm cùng loại không có sự khác biệt về chất lượng, chỉ khác nhau về giá.

Anh Nguyễn Đình Thảo – Sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ Firecoals Việt Nam chia sẻ: “Tôi thấy thương hiệu cũng quan trọng nhưng không quá quan trọng. Khi mới khởi nghiệp, tôi cũng có nghĩ đến thương hiệu nhưng khó khăn lớn nhất là tôi chưa hiểu nhiều về thương hiệu, chưa có kinh phí để nhờ chuyên gia tư vấn về thương hiệu. Nếu như ban đầu được tư vấn trước thì sau này, thương hiệu không bị trùng và doanh nghiệp của chúng tôi sẽ phát triển tốt hơn”.

Về khái niệm, thương hiệu là những cảm nhận của khách hàng về một công ty, một sản phẩm hay dịch vụ với đầy đủ các khía cạnh: Mô tả nhận diện, giá trị, thuộc tính, cá tính. Một thương hiệu thành công đánh dấu một sản phẩm là có lợi thế cạnh tranh bền vững. Microsoft, IBM, BMW, Coca-cola , Shell… là những ví dụ điển hình về thương hiệu doanh nghiệp, Louis Vuiton, GUCCI, Dove, Tide... là những ví dụ về thương hiệu sản phẩm.

Thương hiệu là yếu tố giúp người tiêu dùng vượt qua mọi sự lựa chọn vốn ngày càng đa dạng khi mua một sản phẩm hay dịch vụ. Nhiều người đã từng nghe về cuộc thử nghiệm nếm Pepsi-coca và Coca-cola mà kết quả cho thấy khi bị che mắt và nếm sản phẩm thì rất ít người nhận ra sự khác biệt giữa hai loại coca nhưng khi được hỏi với sản phẩm có nhãn thì đến 65% người tiêu dùng cho là mình thích Coca-cola hơn. Như vậy, thương hiệu là yếu tố để người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng khi những sản phẩm được coi là giống nhau.

Tóm lại, tuy thương hiệu là tài sản vô hình, nhưng chính là yếu tố quyết định giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm, bán ở mức giá cao hơn và dễ thâm nhập thị trường hơn. Đặc biệt, thương hiệu tốt là cơ sở để startup tuyển dụng nhân tài và thu hút thêm vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho startup trong điều kiện nguồn lực tài chính có hạn lại đang là một bài toán khó.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang