Bamboo Airways và quyết tâm bay thẳng Việt - Mỹ

Bamboo Airways và quyết tâm bay thẳng Việt - Mỹ

"Bamboo Airways sẽ lãi trên dưới 8 tỷ đồng/chuyến khai thác bằng máy bay Boeing 787-9 và mức lãi lên tới 28 tỷ đồng khi bay Mỹ bằng Airbus 350.". Đó là khẳng định của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways khi đưa ra quyết định mở đường bay thẳng tới Mỹ với giá vé 1.300 USD/khách/chuyến khứ hồi.


Trong khi Vietnam Airlines thận trọng, Vietjet im ắng thì Bamboo Airways lại hào hứng với kế hoạch bay thẳng tới Mỹ. Phó Tổng giám đốc Trương Phương Thành không giấu kỳ vọng tập đoàn FLC sẽ có hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam mở đường bay thẳng tới Mỹ.

Bamboo Airways là một trong những hãng hàng không bày tỏ tham vọng mở đường bay đi Mỹ bất chấp những lo ngại rằng, hãng sẽ lỗ khi chưa có gì đảm bảo chắc chắn về lưu lượng khách. Tại buổi toạ đàm về đường bay thẳng đi Mỹ chiều ngày 1/8, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã nêu nhiều dẫn chứng để xoá tan lo ngại này.

Theo ông Quyết, tập đoàn đã tính toán kỹ lưỡng, trong trường hợp Bamboo Airways chưa nhận tàu bay, phải thuê một chiếc Boeing 787-9 thì tất cả chi phí cho đường bay thẳng Việt – Mỹ khứ hồi một tháng khoảng 113 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuê máy bay hơn 23 tỷ đồng, xăng dầu 61 tỷ, chi phí kỹ thuật 16 tỷ, mặt đất 1 tỷ... Với giá vé 1.100 USD khứ hồi cho 240 ghế, Bamboo Airways sẽ thu về hơn 116,3 tỷ đồng. Sau khi trừ tất cả các chi phí, ông Quyết tính toán hãng bay này lỗ khoảng 13 tỷ đồng một tháng.

Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng, Bamboo Airways có thể tăng giá vé 100, 200 USD sau thời gian vận hành bay thẳng Mỹ đúng giờ, an toàn. Ông tính toán, với mức giá 1.300 USD, Bamboo Airways sẽ có lãi 8 tỷ đồng một tháng. "Như vậy, lãi phụ thuộc vào giá vé bán ra", ông Quyết nhận định.

Theo Chủ tịch FLC, ngay cả khi giá tăng lên 1.300 USD, vé khứ hồi của Bamboo Airways vẫn rẻ hơn các hãng trong khu vực như Japan Airlines (1.600 USD), Cathay Pacific của Hong Kong (trên 1.300 USD)... Trong trường hợp Bamboo Airways thuê máy bay Airbus A350, hãng có thể lãi đến 28 tỷ đồng một tháng với giá vé 1.300 USD.

Nếu số ghế lấp đầy không được như dự tính, ông Quyết chia sẻ, Bamboo Airways sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Thay vì bay 17 ngày một tháng, hãng có thể dồn khách lại để bay 15 ngày. Thậm chí, Bamboo Airways cũng có thể bay qua nước thứ ba như Nhật Bản, Hàn Quốc... để đón thêm khách. Khi đó, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn bay thẳng.

Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết lạc quan phân tích rằng dân số Việt Nam là gần 100 triệu dân, còn Singapore - quốc gia châu Á hiếm hoi có đường bay thẳng tới Mỹ - chỉ có 5,8 triệu dân. “Singapore Airlines phải đi kiếm khách trên cả thế giới, có cả Việt Nam, trong khi số lượng người Việt Nam ở một tiểu bang của Mỹ như California đã bằng nửa dân số Singapore, không có lý do gì nói bay thẳng Việt - Mỹ không tiềm năng, không có khách hàng”, ông chỉ ra.

Trước thông tin mà ông Trịnh Văn Quyết đưa ra, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết ông đánh giá cao “cách tiếp cận thẳng thắn, đầy tinh thần khởi nghiệp của Bamboo Airways”, tin tưởng mặc dù trong những năm đầu, đường bay có thể chưa sinh lãi ngay, nhưng lợi ích về mặt tổng thể của Tập đoàn FLC là thành công. Tuy nhiên, thành công đến đâu còn phụ thuộc vào "bệ đỡ" của cả nền kinh tế.

"Việt Nam đang có tiềm năng trở thành công xưởng thế giới, chúng ta muốn hướng tới công xưởng của thế hệ FTA mới với công nghệ cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn thì sản phẩm của công xưởng này phải được vận chuyển bằng máy bay chứ không phải đường biển", ông Lộc nhận định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho rằng bệ đỡ cho đường bay thẳng Việt – Mỹ là tiềm năng tăng trưởng du lịch Việt Nam mạnh, dòng học sinh Việt Nam du học tại Mỹ dẫn đầu so với các nước…

Giữ quan điểm thận trọng, TS. Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Học viện Ngoại giao lưu ý 5 vấn đề cần giải quyết về việc mở đường bay thẳng sang Mỹ.

Thứ nhất là vấn đề pháp lý, đối với nước Mỹ, vấn đề pháp lý chưa bao giờ đơn giản. Chúng ta phải đồng hành với các công ty luật của Mỹ để giải vấn đề này. Thứ hai là câu chuyện về an ninh. Thứ ba là bài toán kinh tế, bởi nhiều ẩn số như giá cả nguyên liệu, sân bay tắc nghẽn… chưa được tính đến. Thứ tư là vấn đề cạnh tranh với các hãng hàng không dịch vụ tốt khác. Cuối cùng là vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực…

“Việt Nam có lẽ đã vượt qua giai đoạn giảm thiểu rủi ro và đã đến lúc chúng ta cần chấp nhận rủi ro trong một số trường hợp, bởi năng lực của chúng đã khác, nơi nào rủi ro cao thì cơ hội kinh doanh lại lớn”, ông Tĩnh kết luận.

Với đặc điểm khoảng cách địa lý dài với thời gian bay khoảng 14-16 giờ liên tục đối với chuyến bay thẳng, chặng bay Việt - Mỹ đòi hỏi các hãng hàng không phải trang bị những dòng máy bay thân rộng hiện đại như Boeing 787-9 hay Airbus A350.

“Tân binh” Bamboo Airways đang cho thấy những bước chuẩn bị rất nhanh. Bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội, Bamboo Airways đã ký thỏa thuận mua thêm 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner với trị giá gần 3 tỷ USD. Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc Bamboo Airways đã đặt mua tổng cộng 30 chiếc 787 thân rộng của Boeing với tổng giá trị khoảng 8,6 tỷ USD.

Boeing 787-9 là dòng máy bay cho phép các hãng hàng không bay chặng dài với chi phí nhiên liệu giảm hơn 20% so với các máy bay thân rộng trước đây. Được mệnh danh là "khách sạn 5 sao trên không", Boeing 787-9 có khả năng bay thẳng từ TP. HCM hoặc Hà Nội tới bờ Tây nước Mỹ mà không cần dừng kỹ thuật.

Dự kiến Bamboo Airways sẽ nhận được chiếc Boeing 787 đầu tiên vào quý III năm sau.

Bên cạnh việc đặt mua máy bay thân rộng từ Boeing, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết đã bắt tay chuẩn bị xây dựng bộ máy nhân sự, huấn luyện phi công, tìm hiểu kỹ càng các yêu cầu về an toàn, an ninh, những điều kiện pháp lý, luật liên bang, tiểu bang của Mỹ ngay sau khi chuyến bay thương mại đầu tiên của hãng cất cánh vào tháng 1 năm nay.

Ông Quyết thừa nhận có ý kiến hoài nghi về tính khả thi của đường bay này, thậm chí nói rằng ông “chém gió”, nhưng ông khẳng định quyết tâm đưa Bamboo Airways trở thành “con chim đầu đàn” của Việt Nam bay sang phía Tây bán cầu vào quý cuối năm sau.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang