VivaVietNam - Mạng xã hội thuần Việt chuẩn bị được ra mắt

VivaVietNam - Mạng xã hội thuần Việt chuẩn bị được ra mắt

Mạng xã hội VivaVietnam hứa hẹn sẽ sử dụng công nghệ điện toán đám mây và Big Data, AI, Machine Learning để phục vụ hơn 50 triệu khách hàng.


Đầu năm 2019, VCCorp, một công ty công nghệ và nội dung số đã thành lập Công ty Mạng xã hội Viva. Theo đăng ký kinh doanh công ty này có vốn điều lệ ban đầu 69 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động chính là cổng thông tin, trừ hoạt động báo chí.

Đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc CTCP VcCorp.

Vốn điều lệ tại thời điểm thành lập công ty Mạng xã hội Viva là 69 tỉ đồng, trong đó CTCP VcCorp góp gần như toàn bộ 99,986%; CTCP Vccers Foundation và cá nhân ông Nguyễn Thế Tân mỗi bên góp 0,007%. Cuối tháng 4, CTCP Mạng xã hội Viva tiến hành tăng vốn lên 161 tỷ đồng.

Hiện tại, Công ty Mạng xã hội Viva đang phát triển mạng xã hội mang tên VivaVietnam, hoạt động tại tên miền vivavietnam.vn. Thông tin từ website này cho biết đây là mạng xã hội do người Việt phát triển và làm chủ, được xây trên nền tảng đội ngũ nhân sự nhiều năm kinh nghiệm.

Trên CH Play, ứng dụng VivaVietnam được phát hành vào đầu tháng 7/2019, khi đăng ký sử dụng mạng xã hội này, người dùng sẽ phải đợi 24h để xác nhận thông qua tài khoản Facebook.

“VivaVietnam tự tin với sức mạnh công nghệ (AI - Big Data - Cloud) và khả năng cung cấp dịch vụ tốt nhất đến cho mọi người sử dụng. Công nghệ điện toán đám mây và Big Data, AI, Machine Learning là yếu tố quyết định để VivaVietnam phục vụ hơn 50 triệu khách hàng internet và mobile và cạnh tranh thành công trong lĩnh vực của mình”, website này trình bày nhưng không cho biết thời gian ra mắt.

Tuần trước, một mạng xã hội của Việt Nam mới ra mắt là Gapo, do công ty Công nghệ Gapo phát triển. Đây là mạng xã hội dành cho giới trẻ, với đặc điểm tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.

Những tính năng cơ bản của Gapo là cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến. Ngoài ra, người dùng Gapo có thể tương tác với nhau thông qua những tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ và bộc lộ cảm xúc.

Bên cạnh đó, Gapo cũng có tính năng lọc từ khóa tự động, kiểm duyệt, lọc tin xấu. Trong tương lai, Gapo cho biết sẽ dùng công nghệ AI và Machine Learning để tự động kiểm duyệt cả văn bản, video và hình ảnh.

Chỉ được xây dựng trong vòng 3 tháng, mạng xã hội này hướng đến mục tiêu 3 triệu người dùng vào đầu năm sau. Đáng chú ý Gapo cũng công bố nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng để đầu tư vào giai đoạn 1 của dự án, mục tiêu đạt 50 triệu người dùng vào năm 2021.

Số mạng xã hội ở Việt Nam được cấp phép nở rộ trong vài năm qua nhưng không có mạng xã hội phát triển và đạt lượng người dùng đủ lớn để cạnh tranh với facebook. Theo một công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017, từ năm 2015 đến tháng 3/2017 có 265 mạng xã hội được cấp phép trong đủ các lĩnh vực khác nhau.

Gần đây trong một sự kiện với các doanh nghiệp công nghệ phía Nam, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý: Tại sao không nghĩ đến việc tạo ra mạng xã hội mới thay Facebook vì triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa.

Ông phân tích rằng, người dùng mạng xã hội phải được quyết định luật chơi và giá trị tạo ra phải được chia sẻ, đồng thời mạng xã hội phải tuân thủ luật pháp địa phương.

Tuân thủ các quy định và pháp luật địa phương là vấn đề mà Facebook và Youtube đang đối mặt tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, các nền tảng này có doanh thu hàng trăm triệu USD, chiếm hơn 90% doanh thu quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam nhưng chưa tuân thủ đúng các quy định về thuế, thanh toán.

Việt Nam hiện có khoảng 58 triệu người dùng facebook, trong tổng số 3,3 tỷ người trên toàn thế giới.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang