Cổ phiếu của Masan Meatlife giảm sút ngay trong phiên chào sàn

Cổ phiếu của Masan Meatlife giảm sút ngay trong phiên chào sàn

Định giá 1,1 tỷ USD nhưng ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, vốn hóa của Masan Meatlife đã giảm hơn 12%.


Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của MML là 80.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa khởi điểm của Masan MEATLife xấp xỉ 26.000 tỉ đồng. Chốt phiên giao dịch, cổ phiếu này giảm 12,6%, với hơn 63.600 đơn vị được khớp lệnh. Vốn hóa sau phiên giao dịch ngày 9/12 giảm gần 3.300 tỷ đồng, xuống dưới mức 1 tỷ USD.

Theo giới phân tích, diễn biến tiêu cực của cổ phiếu MML trong phiên đầu tiên một phần do mức định giá được xem là quá cao so với các doanh nghiệp khác cùng ngành và vượt kỳ vọng từ hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, đà giảm của cổ phiếu này được nhận định còn do cộng hưởng với các cổ phiếu khác trong nhóm Masan.

Chốt phiên hôm nay, cổ phiếu MSN cũng quay lại đà giảm, mất 3,2% thị giá và trở thành mã giảm mạnh nhất trong rổ VN30. Cổ phiếu MCH của Masan Consumer đến cuối phiên cũng mất 3,6% giá trị.

Masan MEATLife là một công ty thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan. Đây là công ty đầu tiên tại Việt Nam hoàn thiện mô hình nông nghiệp khép kín với quy mô lớn, hiện đại và ra mắt thương hiệu thịt mát MEATDeli đầu tiên đạt tiêu chuẩn châu  u và cũng đang đang giữ vị trí số 2 cả nước về sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Phát biểu tại lễ khai trương giao dịch cổ phiếu, ông Phạm Trung Lâm - Tổng giám đốc Masan MEATLife cho biết, nằm trong chiến lược chuyển đổi sang mô hình FMCG có tốc độ tăng trưởng nhanh, việc Masan MEATLife chính thức giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM thể hiện tầm nhìn dài hạn của Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo công ty. Đây cũng là động lực để Masan MEATLife nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, đồng thời mở ra cơ hội cho nhà đầu tư, nâng cao uy tín của công ty trên thị trường.

Còn nhớ, cách đây hơn 2 năm, Masan Meatlife từng được VN Consumer Meat II Pte Ltd đầu tư 150 triệu USD để sở hữu 7,5% cổ phần. Giá phát hành khi đó là gần 210.000 đồng/cổ phần, tương ứng định giá lúc bấy giờ đã lên tới 2 tỷ USD.

Tại thời điểm lên sàn, Masan MeatLife đang có tham vọng rất lớn với thị trường thịt. Công ty hiện có 10 nhà máy với công suất 3 triệu tấn/năm, hệ thống phân phối hơn 4.500 đại lý, có trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại Nghệ An đã vận hành giai đoạn 1 và đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 với tổng công suất dự kiến 230 ngàn con lợn thịt/năm. Tổ hợp chế biến thịt mát theo tiêu chuẩn ở Hà Nam có công suất thiết kế 1,4 triệu con/năm tương đương 140 ngàn tấn thịt.

Số liệu của Masan cho biết, trong năm 2017, doanh thu hợp nhất cả công ty là gần 18.700 tỷ đồng, lãi trước thuế 956 tỷ đồng. Sang năm 2018, doanh thu giảm 25% xuống dưới 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 65% xuống 336 tỷ đồng. Theo Masan, doanh thu năm này giảm do hộ chăn nuôi heo tái đàn chậm hơn dự kiến, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng thức ăn gia súc bán ra.

6 tháng đầu năm 2019, Masan MeatLife đạt doanh thu hơn 6.700 tỷ đồng và lợi nhuận là 319 tỷ đồng.

Trong vài năm qua, thị trường thịt heo ở Việt Nam đã liên tiếp gặp sóng gió, điển hình là giai đoạn 2016-2017 khi nhu cầu thịt heo của Trung Quốc giảm mạnh khiến giá thịt heo trong nước có thời điểm giảm còn 22.000 đồng/kg, ảnh hưởng đến cả thị trường thức ăn chăn nuôi. Sang năm 2018, khi nguồn cung sụt giảm do các hộ chăn nuôi giảm số lượng lợn nái hoặc treo chuồng, giá thịt heo hồi phục trở lại thì gặp dịch tả heo Châu Phi. Đến thời điểm tháng 5/2019, cả nước có 55 tỉnh thành có dịch, dẫn đến tình trạng Việt Nam phải nhập khẩu thịt heo trong nửa đầu năm 2019.

Mặc dù có nhiều biến cố, nhưng Masan vẫn tin tăng thị trường thịt heo là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp. Theo thống kê, tổng lượng tiêu thụ của Việt Nam lên đến 10,2 tỷ USD mỗi năm mà trong đó trên 99% là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không rõ ràng về an toàn thực phẩm. Trong đó, hơn 95% thịt heo được cung cấp tại các chợ truyền thống, nơi mà điều kiện bảo quản không đạt tiêu chuẩn.

Masan nhận định, trong bối cảnh thu nhập bình quân ngày càng tăng, khách hàng đang dần chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không chất bảo quản, với hơn 88% khách hàng được khảo sát cho thấy họ sẵn sàng trả mức giá cao để có được sản phẩm thịt đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, xu hướng hiện đại hóa cũng đang dần thay đổi lối sống người tiêu dùng, khách hàng chú trọng sự tiện lợi, quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm thịt đã qua chế biến và sẵn sàng sử dụng.

Mục tiêu của Masan MeatLife là trở thành thương hiệu thịt tiêu dùng đóng gói số 1 trên thị trường Việt Nam, với 10% thị phần vào năm 2022. Công ty dự kiến doanh thu năm 2022 đạt mức tối thiểu 1,5 tỷ USD, với hơn 50% doanh thu đến từ ngành thịt, lợi nhuận sau thuế tối thiểu 200 triệu USD.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang