Làm gì để chống thất thoát trong doanh nghiệp nhà nước

Làm gì để chống thất thoát trong doanh nghiệp nhà nước

Trong suốt quá trình 30 năm cải cách, luôn xuất hiện các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ lớn, mất vốn nhà nước dưới nhiều hình thức.

Những năm gần đây, mặc dù nhà nước quyết liệt chỉ đạo phải đẩy nhanh tái cơ cấu, sắp xếp và cụ thể là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tuy nhiên, giải pháp để thực thi hầu như chưa hiệu quả nên tiến độ vẫn chậm.

Đã gần hết năm, nhưng cả nước chỉ mới cổ phần hóa chưa được 1/3 chỉ tiêu của năm. Trong đó, hướng đến mục tiêu sắp xếp, đổi mới DN thì cần nhiều giải pháp, mà cơ bản nhất là phải khơi thông và sòng phẳng với lãnh đạo DNNN theo đúng cơ chế thị trường.

 


Quyền lợi cần tương xứng với trách nhiệm

Mục tiêu của sắp xếp đổi mới DNNN là hướng đến nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị. Trong đó, cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành chỉ là 2 trong những giải pháp để hướng đến hiệu quả đầu tư cao hơn. Vậy, nếu chậm cổ phần hóa, Nhà nước có thể áp dụng nhiều giải pháp khác để buộc DN phải “chuyển động”, cụ thể là áp dụng quản lý theo cơ chế thị trường đối với DNNN.

Việc quan trọng là trước khi giao chỉ tiêu, cơ quan quản lý phải đánh giá lại tài sản của DN theo đúng giá thị trường. Bất hợp lý lâu nay là giá trị DN không được đánh giá thường xuyên, đợi đến khi cổ phần hóa mới đánh giá, để rồi các DN lấy giá bán “báo cáo thành tích” rằng giá bán cao hơn nhiều lần so với giá trị sổ sách.

Bởi hiện nay, giá trị sổ sách thấp, chỉ suất lợi nhuận được giao cũng thấp, thậm chí có nơi thấp hơn lãi suất vay của ngân hàng, là điều không thể chấp nhận. Phải giao chỉ tiêu lợi nhuận cho người quản lý DN theo nguyên tắc thị trường, ít nhất cũng bằng gấp 2 lần lãi vay của ngân hàng, như thị trường chứng khoán. Như vậy, nhà quản trị DN nào không hoàn thành nhiệm vụ thì thay người khác.

Và để sòng phẳng về quyền, chúng ta cũng cần thay đổi cơ chế lương bổng. Có thể trả lương hàng tỷ đồng/năm cho lãnh đạo DN nếu họ hoàn thành chỉ tiêu, tạo ra lợi nhuận tương ứng và thưởng nếu vượt chỉ tiêu. Có nghĩa là trả lương dựa trên lợi nhuận họ làm ra. Như vậy sẽ tìm được nhà quản trị DN có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhà quản trị DN sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường, sẽ không còn những quy định ưu đãi riêng, không chỉ đạo vay vốn riêng, không còn cấp vốn tái cơ cấu, bù lỗ hay xử lý thua lỗ nữa.

chống thất thoát.jpg

Chấm dứt việc mất đất sau cổ phần hóa

Việc quan trọng của cổ phần hóa là nhằm mục tiêu tái cơ cấu DN, nâng cao chất lượng hoạt động, do vậy, cần thay đổi phương thức thực hiện, cụ thể là thiên về chất lượng, hơn là chạy theo số lượng. Khi xem việc cổ phần hóa là cơ cấu lại danh mục đầu tư nhà nước, thì phải có giải pháp chống thất thoát tài sản đất đai của Nhà nước sau cổ phần hóa như tình trạng lâu nay.

Còn nhiều bất cập trong việc các DNNN quản lý đất, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn, chiếm, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất...

Cụ thể, hình thức chuyển nhượng làm mất đất như dùng đất được Nhà nước cho thuê đem góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp để lách luật. Bởi, thực chất là chuyển nhượng đất. Do vậy, cần có quy định đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất khi cổ phần hóa DNNN theo cơ chế thị trường, để chấm dứt những tổ chức, cá nhân lợi dụng cổ phần hóa, góp vốn nhằm chiếm đất công.

Hơn nữa, việc thiếu minh bạch trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của DN, xác định giá trị khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương, cũng tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Làm gì để hạn chế thất thoát tài sản của nhà nước?

Muốn nâng cao hiệu quả, giảm thiểu tình trạng thua lỗ, thất thoát tài sản nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp.

Thứ nhất, về vấn đề sở hữu, thực tế cho thấy mô hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với cơ chế đặc thù ngày càng không phù hợp với môi trường kinh doanh cạnh tranh, vì vậy, cần chuyển toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thành công ty cổ phần, chỉ giữ lại các doanh nghiệp thuần túy cung cấp dịch vụ công ích. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng cổ phần hóa, thu hút nhiều hơn cổ đông tư nhân, đặc biệt các cổ đông chiến lược nước ngoài, mở rộng tối đa diện doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần cổ phần nhà nước.

Thứ hai, về cơ chế quản lý, giám sát của Nhà nước, yêu cầu cấp bách là phải có bộ máy, con người và công cụ thực hiện việc giám sát quá trình quản lý, sử dụng vốn nhà nước một cách chuyên nghiệp, chuyên trách và độc lập thay vì để các bộ và Ủy ban nhân dân kiêm nhiệm như hiện nay. Theo hướng này, cần sớm thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Để quản lý hiệu quả cần có một trung tâm quản lý và giám sát các dòng vốn nhà nước đang đầu tư vào các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực quản lý điều hành trong doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, cách thức nâng cao hiệu quả vốn nhà nước căn bản nhất vẫn là triệt để áp đặt cơ chế thị trường thực sự cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên mọi lĩnh vực hoạt động, trước hết cần áp dụng các thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó sẽ là đổi mới mạnh mẽ về chế độ tiền lương, thu nhập, cơ chế giám sát, đánh giá, bổ nhiệm, cách chức, thay thế người quản lý doanh nghiệp theo cơ chế thị trường tương tự như khu vực doanh nghiệp tư nhân.

 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang