Logistics Việt Nam đóng góp vào GDP còn rất khiêm tốn

Logistics Việt Nam đóng góp vào GDP còn rất khiêm tốn

Ngành logistics Việt Nam đóng góp vào GDP còn rất khiêm tốn, mới 3-4%, ngược lại chi phí logistics trong chi phí của doanh nghiệp thì rất cao.


Sáng 7/12, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới và một số cơ quan tổ chức Diễn đàn logistics Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế” tại tỉnh Quảng Ninh. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự diễn đàn.

phó thủ tướng việt nam.jpg

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh logistics là ngành có giá trị gia tăng cao trong khối ngành dịch vụ cần được quan tâm phát triển nhằm hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, thương mại. Tuy nhiên logistics đóng góp trong GDP còn khiêm tốn, chỉ 3-4%, trong khi chi phí của tổ chức, doanh nghiệp bỏ ra cho logistics thì rất cao, hoàn toàn ngược với thế giới.

Ông nhấn mạnh đòi hỏi của nền kinh tế là lớn hơn so với khả năng cung cấp logistics hiện nay. Trong đó phải phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp logistics khi hiện nay cả nước mới chỉ có 3.000 doanh nghiệp, hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Ông mong muốn Việt Nam sớm có các tập đoàn lớn đủ khả năng cạnh tranh ở trong khu vực và trên thế giới ở lĩnh vực này.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng cần quan tâm tới cả kết nối nội vùng kinh tế động lực. Nhà nước với tư cách kiến tạo, sẽ xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong đó có quy hoạch kết cấu hạ tầng và cả phát triển logistics. Trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế, trong và ngoài nước để triển khai chuỗi giá trị các sản phẩm, dịch vụ.

Phó thủ tướng cũng đặt ra bài toán cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp, hiệp hội logistics Việt Nam phải phát triển hiện đại và mở rộng quy mô của ngành này trong bối cảnh triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và thương mại điện tử.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế “mở” nhất trên thế giới và ngày càng hội nhập nhiều hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Hàng hóa thương mại với giá trị trên 1 tỷ USD đi qua biên giới Việt Nam hàng ngày và khối lượng hàng hóa tăng nhanh với mức trên 10%/năm. Do đó, dịch vụ logistics hiệu quả, kết nối xuyên khu vực và xuyên biên giới đóng vai trò quan trọng trong khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Thông qua đầu tư và hạ tầng kết nối, Việt Nam cần tạo ra cú hích quan trọng để tạo ra một cuộc đua trong logistics. Quan trọng hơn hết là tập trung vào đầu tư hiệu quả và thông minh, kết nối chiến lược vận tải đa phương thức ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.

 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang