Hồi giữa tháng 6 vừa qua, giới kinh doanh trong nước xôn xao trước thông tin Viettel Post ra mắt ứng dụng gọi xe mang tên MyGo. Chỉ 1 tuần sau, đơn vị này tiếp tục cho biết sẽ tham gia thị trường thương mại điện tử với nền tảng TMĐT Vỏ Sò. Những động thái của một đơn vị bưu chính truyền thống chuyển mình và tham dự vào thị trường khốc liệt vốn được xem là dành riêng cho những "tay chơi" có bệ đỡ tài chính đặt câu hỏi lớn cho nhiều người và giới phân tích.
CTCP Chứng khoán VNDIRECT trong báo cáo mới cập nhật đã phân tích về 2 mảng thương mại điện tử, gọi xe công nghệ nói chung và những ưu điểm của VTP khi tham gia vào lĩnh vực này.
Báo cáo cho biết, tổng giá trị lỗ lũy kế của Lazada, Shopee và Tiki trong giai đoạn 2015-2018 là 9.400 tỷ đồng. Điều này tạo nên rào cản rất lớn cho những người chơi mới muốn gia nhập thị trường nhiều tiềm năng nhưng đầy khốc liệt này. VNDIRECT ước tính một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.
Lazada và Shopee là 2 thương hiệu quốc tế trong lúc đó các thương hiệu còn lại là Tiki và Sendo được sáng lập bởi các tổ chức trong nước. Quý 1 năm 2018, Lazada là sàn TMĐT dẫn đầu thị trường xét trên cả phương diện số lượng truy cập website lẫn số lượng view trên Facebook. Tuy nhiên chỉ một năm sau, Shopee và Tiki đã vươn lên vị trí xếp hạng số 1 và 2 về lượng truy cập website, trong lúc đó Sendo xếp hạng thứ 4 nhờ vào sự phát triển liên tục của mình.
Trong số các trang TMĐT, Shopee là đơn vị duy nhất áp dụng mô hình Người tiêu dùng đến người tiêu dùng (C2C), trong khi các sàn còn lại đều áp dụng mô hình B2C hoặc hỗn hợp B2C/C2C. Tiki đã chuyển đổi mô hình từ Doanh nghiệp tới khách hàng (B2C) sang Doanh nghiệp tới doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2B2C) vào tháng 3 năm 2017.
Với người chơi mới là Vỏ Sò, VNDIRECT cho biết, Viettel Post có những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Thứ nhất, Viettel Post (VTP) có lợi thế cạnh tranh từ mạng lưới chuyển phát toàn quốc mà doanh nghiệp này đã đầu tư rất mạnh vào cả công nghệ lẫn hệ thống logistic. VTP là đơn vị chuyển phát đứng thứ hai tại Việt Nam với hệ thống logistic rộng khắp bao gồm 8.300 điểm nhận, chuyển hàng (bao gồm bưu cục), 500 xe tải và mạng lưới trung tâm chia chọn cùng với 6 bưu cục trung tâm, 85 bưu cục cấp tỉnh.
Hệ thống logistics của VTP lớn hơn rất nhiều so với các startup như Giaohangnhanh (GHN express) hoặc Giaohangtietkiem mới có khoảng 300 bưu cục vào cuối 2018. Thêm vào đó, VTP cũng đã tích hợp những công nghệ mới nhất vào hệ thống của mình để rút ngắn thời gian chuyển phát đồng thời tạo ra sự thuận tiện cho khách hàng.
Hệ thống chia chọn tự động đã được áp dụng tại trung tâm phân phối Hà Nội giúp cắt giảm 80% thời gian xử lý đơn vận chuyển và cắt giảm 86% yêu cầu nhân lực so với hệ thống truyền thống. Công nghệ này sẽ được áp dụng cho toàn bộ hoạt động của VTP trong năm 2019 nhằm đảm bảo công ty sẽ có hệ thống chia chọn hiệu quả nhất trong ngành.
Ngay tại lễ ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo sáng 1/7, CEO Viettel Post cũng tiết lộ về lợi thế công nghệ của nền tảng này. Theo đó MyGo sẽ giúp tài xế vừa chở hàng, vừa chở người, tận dụng tối đa thời gian chạy trên cùng một quãng đường của tài xế mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ nói chung.
"Tôi lấy ví dụ, trên đường giao một kiện hàng nhỏ, kích thước không ảnh hưởng đến người ngồi phía sau thì tài xế MyGo có thể chở thêm khách. Tuy nhiên khách phải được ưu tiên đến trước rồi mới giao hàng. Còn không có chiều ngược lại, đang chở người lại đi giao hàng", ông Trần Trung Hưng, CEO Viettel Post giải thích.
Một tính năng ưu việt khác của MyGo so với các ứng dụng khác đó là cho phép tài xế nhận đơn từ một điểm, nhưng giao tới nhiều điểm khác nhau. Việc tối ưu quãng đường để từ đó tài xế giao đi nhiều điểm vốn đã được đơn vị này triển khai trước đó.
Thứ 2, theo VnDirect phân tích VTP có thể mạnh trong việc tích hợp các dịch vụ khác trong hệ sinh thái Viettel. VTP thu hút người bán mở gian hàng trên nền tảng Vỏ sò với cơ hội giới thiệu sản phẩm tới tập khách hàng tiềm năng khổng lồ gồm 60 triệu khách hàng sẵn có của Viettel.
Thêm vào đó, VTP có thể tích hợp ứng dụng ví điện tử Viettel Pay của Viettel Telecom vào trong nền tảng Vỏ Sò, cho phép khách hàng có thêm lựa chọn thanh toán điện tử hoặc thậm chí cung cấp khoản vay cho khách hàng bằng ứng dụng này.
Cuối cùng, VTP có thể nhận được sự tin tưởng của khách hàng nhờ vào sức mạnh thương hiệu. Vấn đề lớn nhất của một sàn TMĐT ở Việt Nam là sự thiếu tin tưởng của khách hàng. Đặc điểm này ngăn cản người dùng thực hiện các giao dịch trực tuyến do sự không chắc chắn về chất lượng hàng hóa, bí mật thông tin cá nhân và sai sót vận chuyển. Viettel là thương hiệu do Bộ Quốc Phòng Việt Nam sở hữu, là một trong số những thương hiệu quốc gia mạnh nhất và VTP đã kế thừa văn hóa cũng như giá trị cốt lõi của công ty mẹ vào hoạt động của mình, giúp công ty cung cấp dịch vụ có chất lượng cao hơn.
"Mặc dù thị trường đã khá đông đúc, những thương hiệu mới vẫn còn dư địa phát triển, miễn là có thể vượt qua được những rào cản kể trên. Chúng tôi tin rằng VTP đã được trang bị đầy đủ hành trang để tham gia vào cuộc chiến này", VnDirect đánh giá.