Tập đoàn Thaibev cho biết doanh thu và lợi nhuận ròng quý đầu niên độ 2020 đều tăng so với cùng kỳ, lần lượt khoảng 56.400 tỷ đồng và 6.900 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu xáo trộn khi rượu mạnh vươn lên dẫn đầu với 45,5%. Bia tụt xuống vị trí thứ hai khi chỉ đóng góp 44%, còn lại là đồ uống không cồn và thực phẩm.
Rượu mạnh chiếm gần phân nửa doanh thu nhưng đóng góp hơn 87% lợi nhuận. Trong khi đó, bia mang về chưa đến 10% vì phải gánh nhiều khoản chi phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, nguyên liệu, đóng góp, bán hàng...
Tập đoàn của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi thu khoảng 24.800 tỷ đồng từ các thương hiệu bia trong quý đầu năm. Lợi nhuận ròng tăng gấp đôi cùng kỳ, nhưng lợi nhuận phân bổ cho cổ đông lại giảm phân nửa.
Theo lý giải của ban lãnh đạo doanh nghiệp này, mảng bia ngoài thị trường nội địa đều chậm lại, trong đó có Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Doanh thu tại thị trường Việt Nam và ASEAN nói chung đã giảm đến 12%.
Riêng Sabeco, doanh thu giai đoạn này đạt hơn 9.800 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân vì sản lượng đi xuống và thay đổi tỷ lệ sở hữu một công ty liên kết thành công ty con nên chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, lũy kế cả năm, Sabeco vẫn ghi nhận doanh thu tăng 5% lên 37.900 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết, nhờ đầu tư nhiều cho hoạt động tiếp thị và hỗ trợ bán hàng nên chi phí tăng mạnh, nhưng bù lại lợi nhuận cũng được cải thiện đáng kể. Công ty lãi sau thuế hơn 5.370 tỷ đồng và xác lập kỷ lục mới từ khi thành lập đến nay.
Diễn biến giá cổ phiếu SAB cũng giảm mạnh từ đỉnh cao 320.000 đồng/cp hồi cuối 2017 xuống 280.000 đồng giữa 2019 và xuống dưới 190.000 đồng/cp như hiện nay.
Cuối 2017, Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã thông qua Thai Beverage chi gần 5 tỷ USD từ tiền vay để mua 53,59% cổ phần Sabeco ở mức giá bình quân 320.000 đồng/cp từ Bộ Công thương Việt Nam.
So với mức giá hiện tại (189.000 đồng/cp), cổ phiếu Sabeco đã giảm gần 41%. Nó khiến mức vốn hóa phần cổ phiếu của nhóm đầu tư do tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đứng đầu thông qua Thai Beverage giảm khoảng 2 tỷ USD.
Doanh nghiệp này đang đối mặt với một năm mới khó khăn, bắt đầu ngay từ Tết cổ truyền của Việt Nam năm nay. Chỉ trong vòng vài tháng, doanh nghiệp này đối mặt với những tác động lớn và nhiều doanh nghiệp cùng ngành bia cũng trải qua tình cảnh gần tương tự.
Mới nhất chính là dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Covid-19 đã khiến doanh nghiệp trong nhiều ngành lao đao, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đồ uống như Sabeco. Việc giảm tụ tập khiến lượng khách tại những quán ăn, quán nhậu… tụt giảm.
Trước đó, Nghị định 100 cấm sử dụng bia rượu (tăng phạt gấp đôi…) khi lái xe có (hiệu lực từ đầu năm) cũng đã có những ảnh hưởng nhất định tại Sabeco, Bia Hà Nội (BHN)…
Việt Nam là một trong những thị trường cốt lõi, mảnh ghép không thể thiếu giúp doanh nghiệp này trở thành đơn vị dẫn đầu ngành công nghiệp đồ uống Đông Nam Á.
Sau khi hợp nhất Sabeco, Thaibev chịu ảnh hưởng đáng kể bởi sự tăng trưởng hoặc chững lại của doanh nghiệp đầu ngành bia rượu Việt Nam. Thị trường nội địa trước đây chiếm tỷ lệ áp đảo trong cơ cấu doanh thu của Thaibev, có giai đoạn hơn 96%. Từ khi Sabeco trở thành công ty con, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 70%. Niên độ 2019, bia vượt rượu mạnh để dẫn đầu cơ cấu doanh thu theo ngành hàng và tăng trưởng doanh số trên 26%. Trong khi sản lượng tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Á đang chậm lại thì Sabeco vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
"Nếu loại trừ Sabeco, doanh số bán bia ngoài Thái Lan tăng trưởng âm vì kết quả kinh doanh kém khả quan của một số nước trong khu vực ASEAN", báo cáo của Thaibev viết.
Báo cáo của SSI Research gần đây đưa ra quan điểm trung lập với ngành bia. Tuy nhiên, CTCK của ông Nguyễn Duy Hưng cũng nhấn mạnh sự lây lan của virus Corona là điều bất lợi cho ngành bia, ít nhất trong quý 1/2020. Doanh thu của doanh nghiệp này sẽ giảm.