Trong tháng 10/2024, các doanh nghiệp ngân hàng Vietcombank (Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, VCB, Ngân hàng VCB); VietinBank (Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Viettinbank); Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Agribank); BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng BIDV); Techcombank (Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam, TCB, Internet Banking Techcombank); MB Bank (Ngân hàng Quân đội, MBBank, Ngân hàng MB); PvcomBank (Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam, Ngân hàng Đại chúng) và VPBank (Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, VPBank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và phát triển mối quan hệ với khách hàng. Báo cáo dưới đây của Vibiz nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về các xu hướng và hiệu quả của các chiến lược truyền thông mà các ngân hàng đang áp dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường và thị hiếu của khách hàng.
Tổng đề cập: Vietcombank giữ vững vị trí dẫn đầu
Tổng lượng đề cập của ba ngân hàng Vietcombank, Techcombank, và VPBank cho thấy sự quan tâm đáng kể từ phía thị trường và công chúng. Vietcombank dẫn đầu với 21%, phản ánh vị trí vững chắc và sự quan tâm cao từ người tiêu dùng và nhà đầu tư trong các hoạt động kinh doanh và chiến lược tài chính của ngân hàng này. Techcombank theo sát với 20,6%, một con số cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt khi ngân hàng này liên tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận lớn trong năm qua. VPBank đạt 18,8%, một tỷ lệ khá cạnh tranh, cho thấy ngân hàng này cũng đang nhận được sự chú ý tích cực trong các hoạt động tài chính và truyền thông, dù xếp sau hai ngân hàng lớn hơn.
Thống kê đề cập tháng 10/2024
(Nguồn: Vibiz tổng hợp)
Đề cập trên mạng xã hội: Techcombank và chiến lược truyền thông hiệu quả
Trong tháng 10/2024, Techcombank chiếm ưu thế rõ rệt với 36,8% lượng đề cập trên mạng xã hội, cho thấy sự hiện diện và ảnh hưởng mạnh mẽ của ngân hàng này trong các hoạt động truyền thông số. VPBank theo sát với 31,5%, thể hiện mức độ tương tác và sự quan tâm không kém từ phía công chúng. Trong khi đó, PVcomBank và VietinBank có tỷ lệ đề cập khá thấp, lần lượt là 0,5% và 1,4%. Điều này phản ánh mức độ hiện diện của hai ngân hàng này trên mạng xã hội còn hạn chế, do chiến lược truyền thông chưa được đầu tư mạnh mẽ.
Đề cập ngoài mạng xã hội: Vietcombank thể hiện sức mạnh truyền thống
Về đề cập ngoài mạng xã hội, Vietcombank đứng đầu với tỷ lệ 22%, thể hiện sự quan tâm lớn từ khách hàng và báo chí nhờ vào các hoạt động quảng bá mạnh mẽ và các dịch vụ nổi bật. BIDV theo sau với 20,1%, cho thấy vị thế ổn định và tầm ảnh hưởng trong truyền thông truyền thống. Agribank với 17,2%, vẫn duy trì sự chú ý đáng kể từ phía khách hàng và giới truyền thông, vì ngân hàng đóng vai trò chủ lực trong lĩnh vực ngân hàng nông thôn.
Ngược lại, VietinBank chỉ chiếm 4,6% tổng lượng đề cập, thấp hơn nhiều so với ba ngân hàng trên, điều này phản ánh mức độ đầu tư vào truyền thông chưa cao hoặc sự tập trung vào các đối tượng khách hàng và thị trường cụ thể hơn.
Lượng chia sẻ và like: Thu hút nhờ các sự kiện nổi bật
Lượng like, chia sẻ, bình luận tháng 10/2024
(đvt: %)
(Nguồn: Vibiz tổng hợp)
Lượng chia sẻ và lượt thích trên mạng xã hội giữa các ngân hàng Việt Nam cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong mức độ tương tác của khách hàng:
Techcombank dẫn đầu về lượng chia sẻ với tỷ lệ 48%, cho thấy chiến lược nội dung có khả năng lan tỏa mạnh mẽ và được người dùng quan tâm chia sẻ nhiều. Lượt thích của Techcombank đạt 23,5%, cũng cao hơn so với các ngân hàng còn lại. Với sự kiện là nhà tài trợ kim cương của chương trình “Anh trai vượt ngàn trông gai”, Techcombank đã thu hút được lượng tương tác lớn từ sức hút của chương trình.
Vietcombank giữ vị trí thứ hai với lượng chia sẻ ở mức 21,2% và lượt thích là 20,9%. Mặc dù không dẫn đầu, các con số này vẫn phản ánh được mức độ quan tâm tương đối cao từ cộng đồng mạng. Sự kiện nổi bật thu hút được lượng tương tác của Vietcombank trong tháng 10 là: Vietcombank nhận chuyển giao ngân hàng CBBank và sự kiện tuyển dụng lượng nhân sự lớn trong quý 4.
BIDV tuy có tỷ lệ chia sẻ thấp hơn, ở mức 6,2%, nhưng lại nổi bật với lượt thích cao nhất là 29,2%. Điều này cho thấy nội dung trên các trang mạng xã hội đã thu hút được nhiều người yêu thích. Nội dung nổi bật trong tháng của BIDV là về chương trình “The Moneyverse - Vũ Trụ Đồng Tiền” do BIDV đồng tổ chức.
VietinBank có lượng chia sẻ và lượt thích thấp nhất, lần lượt là 0,4% và 0,3%, cho thấy ngân hàng này chưa đạt được sự tương tác mạnh mẽ trên mạng xã hội như các đối thủ khác.
Lượng bình luận: BIDV và Vũ Trụ Đồng Tiền.
BIDV chiếm tỷ lệ bình luận vượt trội với 44,5%, cho thấy mức độ tương tác và thảo luận của khách hàng về BIDV trong tháng rất cao. Điều này phản ánh cả sự quan tâm lẫn các vấn đề được công chúng chú ý về các chương trình được BIDV đồng hành tổ chức - The Moneyverse - Vũ Trụ Đồng Tiền và dịch vụ của BIDV.
Ngược lại, MB Bank chỉ chiếm 1,3% tổng lượng bình luận, có sự chênh lệch rõ rệt khi so sánh với BIDV. Giải thích cho lượng bình luận không khả quan trên mạng xã hội là do trong tháng 10/2024, MB Bank không thực hiện hoạt động đáng gây chú ý nào, không thu hút được lượng thảo luận so với các đối thủ cùng ngành.
Sự khác biệt rõ rệt này cho thấy chiến lược truyền thông và mức độ gắn kết với khách hàng của BIDV đang đạt hiệu quả hơn, trong khi MB Bank cần cải thiện để tăng cường sự tương tác từ công chúng trên mạng xã hội.
Phản hồi cảm xúc: Cơ hội và thách thức
Dẫn đầu, Vietcombank có tổng lượng đề cập 21%, ngân hàng có lượng phản hồi tích cực nổi bật 32,2% và tiêu cực là 8%. Tỷ lệ tích cực cao cho thấy sự hài lòng của khách hàng, nhờ vào chất lượng dịch vụ, chiến dịch truyền thông hiệu quả.
Ở vị trí thứ 2, tỷ lệ thảo luận tích cực của Techcombank là 26,8%, thấp hơn Vietcombank, nhưng tỷ lệ thảo luận tiêu cực của ngân hàng này cũng khá thấp ở mức 7,9%. Điều này cho thấy Techcombank giữ được sự cân bằng trong việc tạo ra hình ảnh thương hiệu tốt trên mạng xã hội, tuy nhiên vẫn cần cải thiện để tăng lượng tương tác, phản hồi tích cực hơn trong tháng tới.
Mặt khác, Agribank là ngân hàng có lượng thảo luận tiêu cực khá cao lên đến 24,9%, cho thấy ngân hàng cần cải thiện dịch vụ đồng thời làm mới các phương pháp truyền thông nhằm có sự tương tác với khách hàng, có được niềm tin và thiện cảm của khách hàng nhiều hơn.
Sắc thái thảo luận của các ngân hàng tháng 10/2024
(đvt: %)
(Nguồn: Vibiz tổng hợp)
Nhìn chung, tháng 10/2024 là thời điểm các ngân hàng gia tăng sự hiện diện thương hiệu, tận dụng các dịp cuối tuần và các chính sách lãi suất linh hoạt để tạo sự hấp dẫn với khách hàng. BIDV, Vietcombank và Techcombank đang làm tốt trong việc làm mới sự hiện diện của doanh nghiệp trong những vai trò khác nhau như đơn vị tổ chức, đơn vị đồng hành của những sự kiện lớn. Từ đó, các doanh nghiệp ngân hàng thành công thu hút được lượng khách hàng mới, ổn định vị thế trong lòng khách hàng thân thiết, đem lại những hoạt động tích cực cho khách hàng và những lợi ích kèm theo cho cá nhân doanh nghiệp.