Xanh hóa ngành da giày: Cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh

Xanh hóa ngành da giày: Cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh

Chuỗi cung ứng toàn cầu ngành da giày hiện nay đã và đang gặp rất nhiều thách thức, từ tác động của đại dịch Covid-19 đến các xung đột địa chính trị. Trở lực này đã làm thay đổi cấu trúc cùng phương thức sản xuất kinh doanh của ngành da giày thế giới.

Nguồn:Vneconomy

Doanh nghiệp ngành da giày không thể đứng ngoài xu hướng "xanh hóa", áp dụng dây chuyền tự động và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.

Doanh nghiệp ngành da giày không thể đứng ngoài xu hướng "xanh hóa", áp dụng dây chuyền tự động và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.

Trên đây là những thách thức được ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), khái quát tại phiên khai mạc Hội nghị Quốc tế ngành da giày lần thứ 41 (CIFA 41) diễn ra ngày 09/7/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Nhân sự kiện này, ông Thuấn kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội cần tăng cường hợp tác, tạo ra các kết nối kịp thời và hiệu quả nhằm ổn định chuỗi cung ứng hướng đến phát triển xanh và bền vững.

Thách thức về chuỗi cung ứng toàn cầu

Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, xác định giày dép là ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia với sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, duy trì vị trí thứ 2 trên thế giới.

Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu giày dép hàng đầu thế giới. Theo số liệu thống kê của LEFASO, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần.

Ngành da giày Việt Nam từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng đã từng bước phục hồi và lấy lại vị thế “cường quốc” từ hơn một năm qua. Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước gặp rất nhiều khó khăn, ngành da giày và túi xách của Việt Nam vẫn đứng vững và đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 24 tỷ USD.

Dự báo trong năm 2024, ngành da giày và túi xách Việt Nam diễn ra theo hai kịch bản.

Kịch bản tốt: Kim ngạch xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 10%;

Kịch bản trung bình: Kim ngạch xuất khẩu đạt 25,6 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023.  

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, cho biết Chính phủ và Bộ Công Thương đặt kỳ vọng đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách của Việt Nam sẽ đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời phát triển một số thương hiệu khu vực và thế giới.

Nguyên phụ liệu đầu vào và chuỗi cung ứng ngành da giày đang là bài toán khó cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành da giày.

Nguyên phụ liệu đầu vào và chuỗi cung ứng ngành da giày đang là bài toán khó cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành da giày.

Tuy nhiên, cũng như một số ngành sản xuất đặc thù khác, ngành da giày phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu và chuỗi cung ứng; trong đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ sản xuất toàn ngành do nhà sản xuất không có hoặc thiếu hụt trầm trọng nguyên phụ liệu.

Thừa nhận chuỗi cung ứng toàn cầu ngành da giày thời gian qua gặp nhiều thách thức, không chỉ khan hiếm nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực, chi phí sản xuất và dịch vụ logistics cao, chuyên gia Allen Lai, Tổng thư ký CIFA cũng chỉ rõ các vấn đề về thuế quan ở các thị trường xuất nhập khẩu, về chuyển đổi số, đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất… đang là những rào cản không nhỏ cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành da giày.

Tái cấu trúc và chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da, giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, xu hướng “xanh hoá” trên thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp ngành da giày, áp lực chuyển đổi xanh càng rất lớn khi dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên thế giới.

Đến thời điểm hiện tại, Châu Á được xem là “trung tâm” sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ giày dép lớn nhất thế giới. Cụ thể, trong “top” 10 quốc gia và vùng lãnh thổ sản xuất giày dép, có đến 8 quố gia là Châu Á, trong đó 4 quốc gia đứng đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Tương tự, trong “top” 10 quốc gia xuất khẩu giày dép, có đến 5 nước đến từ Châu Á gồm Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Campuchia.

10 nước nhập khẩu giày dép tuy không có đại diện đến từ Châu Á, nhưng tiêu dùng nội địa ở vùng châu lục này lại rất lớn, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo đại diện các nhà sản xuất giày Ấn Độ, sản lượng cung ứng hiện nay của Ấn Độ chỉ mới có 2,5 tỷ đôi/năm, trong khi nhu cầu nội địa Ấn Độ của quốc gia đông dân thứ nhì thế giới này có thể lên tới 6 tỷ đôi giày. Chính vì vậy, Chính phủ Ấn Độ đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. Các nhà sản xuất ở Châu Á cần liên kết và hợp tác để tạo thành sức mạnh chung.

Tương tự, Trung Quốc sản xuất trên 13 tỷ đôi/năm, xuất khẩu 9 tỷ đôi/năm và tiêu thụ nội địa khoảng 4 tỷ đôi/năm. Trong khi đó, Việt Nam sản xuất 1,3 tỷ đôi, xuất khẩu 2,7 tỷ đôi, điều này cho thấy tiêu thụ nội địa của Việt Nam còn khiêm tốn, tiềm năng và dự địa vì vậy còn rất lớn.

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững không chỉ là xu hướng chung mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành da giày; đồng thời cũng là cơ hội để ngành da giày Việt Nam nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT TBS Group, Chủ tịch CIFA 41-2024 đã khẳng định: “Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Để làm được như vậy, theo ông Thuấn, vấn đề nghiên cứu phát triển trong thiết kế, nguyên vật phụ liệu, đầu tư ứng dụng công nghệ và phương thức phân phối, kênh phân phối cũng cần có sự thay đổi – hướng đến yếu tố chất lượng, thẩm mĩ, giảm chi phí, giảm phát thải CO2 hướng đến yếu tố phục vụ cho người tiêu dùng đầu cuối.

Với trường hợp Trung Quốc, quốc gia này không chỉ sản xuất và xuất khẩu giày dép đứng đầu thế giới, mà còn là nước xuất khẩu nguyên phụ liệu ngành da giày số 1, với chuỗi cung ứng cùng các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về ngành này.

Vì thế, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị LEFASO và các doanh nghiệp thành viên nên đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển ngành nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã, cũng như học tập theo mô hình Trung Quốc và các nước tiên tiến nhằm hướng đến hoạt động sản xuất phát triển bền vững của ngành da, giày và túi xách Việt Nam.

Vneconomy
Trở lại đầu trang