Xu hướng tiêu dùng thay đổi
Trong năm 2017 người Việt tiêu thụ đến 8.670 chiếc xe hơi hạng sang, siêu sang các loại. Dù đã giảm khoảng 15% so với năm 2016 nhưng nước ta đã chi đến 20.000 tỷ đồng để mua các dòng xe này.
Những con số cho thấy, Việt Nam đang là điểm đến đầy tiềm năng của các đại gia xe sang thế giới. Với mức tăng trưởng bình quân từ 40-100%/năm.
Ảnh minh hoạ
Nếu như 5 - 10 năm trước, người tiêu dùng Việt Nam mua ô tô như là sự tích lũy tài sản, thể hiện đẳng cấp mà ít chú ý đến sự tiện nghi cũng như công nghệ của xe thì nay, quan điểm và nhu cầu mua xe của người tiêu dùng đã thay đổi khá nhiều.
Giờ đây khi mua xe, người tiêu dùng quan tâm đến chiếc xe đó có thoải mái, thân thiện, an toàn, tiện lợi, tiết kiệm nhiên liệu, giá cả có phù hợp hay không hơn là việc coi chiếc xe như một thứ tài sản.
Bên cạnh đó, những nhu cầu về kiểu dáng đẹp, đa dạng, phù hợp với hạ tầng Việt Nam và quan trọng là giá cả phù hợp, gia tăng chất lượng dịch vụ hậu mãi cũng là một trong các yếu tố mà người tiêu dùng quan tâm để lựa chọn.
Đây cũng chính là lý do vì sao trong 3-4 năm gần đây, nhiều nhà sản xuất đã đưa số lượng ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam các sản phẩm xe hạng sang mang hàm lượng công nghệ ngày càng tăng, giúp người lái thoải mái và an toàn hơn như: tính năng hỗ trợ leo dốc, hỗ trợ đỗ xe trong thành phố, công nghệ tích hợp điều khiển bằng giọng nói... để đáp ứng nhu cầu và xu hướng tiêu dùng trong nước.
Điều này thể hiện rõ nét hơn thông qua lượng nhập khẩu xe hạng sang trong năm 2017. Theo số liệu Vibiz.vn, năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 21.902 chiếc ô tô hạng sang có giá trên 2 tỷ đồng. Đáng chú ý lượng nhập khẩu ở tháng cuối năm tăng đột biến so với tháng 11 và các tháng trong năm, đạt 3.041 chiếc.
Nhận định về việc tăng mạnh đột biến về lượng xe sang nhập khẩu trong tháng 12/2017, các chuyên gia Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, nhu cầu mua sắm ô tô trong nước đang tăng cao, việc bổ sung thêm nguồn cung xe nhập khẩu vào thời điểm này sẽ giúp thị trường ô tô cuối năm thêm ổn định. Nguồn cung xe nhập khẩu gia tăng lúc này sẽ tránh được việc tăng giá, "ép giá" hay mua xe phải mua thêm gói phụ kiện...
Ngoài ra, một lý do khác được đưa ra, lượng xe nhập khẩu tăng đột biến nửa đầu tháng 12 chủ yếu là để “chạy” Nghị định 116 của Chính Phủ, gom hàng bán trong dịp Tết và quý I/2018. Vì với những quy định tại Nghị định 116, ít nhất quý I/2018 xe nhập khẩu rất khó về Việt Nam vì cần có thời gian để chuẩn bị các điều kiện và thủ tục cần thiết đáp ứng việc thực hiện Nghị định 116/2017 NĐ-CP của Chính phủ với những quy định mới về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô.
Một phân khúc nhập khẩu toàn bộ
Nếu như các thương hiệu xe bình dân của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có nhà máy tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia…, để cung cấp cho toàn bộ khu vực thị trường ASEAN, thì hầu hết các thương hiệu cao cấp chọn hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam.
Năm 2017, trong phân khúc xe sang, chủ yếu là xe có xuất xứ từ các nước Mỹ (7.695 chiếc), Nhật Bản (6.455 chiếc), Đức (3.306 chiếc), Anh (2.004 chiếc)…
Bên cạnh các thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng trong nước như Ford, Lexus hay Mercedes-Benz thì ngày càng có nhiều các thương hiệu đắt tiền thâm nhập thị trường và đẩy mạnh phạm vi kinh doanh như: Audi, BMW, Land Rover, Volkswagen,...
Theo thống kê Vibiz.vn, các dòng xe sang và siêu sang nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2017 chủ yếu là các thương hiệu châu Âu, bao gồm Audi, BMW, Jaguar Land Rover, Bentley, Maserati, Lamborghini, Porsche, Volvo…; cùng với Ford của Mỹ và hai thương hiệu xe sang của Nhật Bản cũng được nhập khẩu nguyên chiếc là Lexus (do Toyota Việt Nam quản lý) và Infiniti - thương hiệu hạng sang của Nissan do nhà phân phối chính thức (tập đoàn TanChong - Malaysia).
Ngoài ra, hiện một số thương hiệu xe sang khác vẫn chưa có mặt tại Việt Nam do chưa có nhà phân phối chính thức, và quan trọng hơn là nhu cầu chưa lớn, như Chrysler, Lincoln, Cadillac, Alfa Romeo, Acura (thương hiệu thuộc Honda)…
Hiện chỉ có duy nhất Mercedes-Benz là thương hiệu xe sang có nhà máy tại Việt Nam, lắp ráp dòng sedan các cỡ (C-Class, E-Class, S-Class) và mẫu SUV 5 chỗ - GLC. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm khác của hãng vẫn được nhập khẩu nguyên chiếc.
Thị trường trong tay vài “ông lớn”
“Miếng bánh” thị trường ô tô hạng sang đã ngày một hình thành rõ nét khi những cái tên dần nổi lên với mảng thị trường đã được phân chia. Ford của Mỹ, Mercedes, BMW, Audi của Đức, có vị trí khá vững chắc tại thị trường Việt Nam. Tân binh Lexus mới gia nhập gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt.
Kết thúc năm 2017, Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) đã đạt mức doanh số hơn 6.000 xe, tăng trưởng gần 40% so với năm 2016. Như vậy, thương hiệu “Ngôi sao 3 cánh” tiếp tục dẫn đầu thị trường xe sang, với 4 mẫu xe chủ lực là C-Class, E-Class, S-Class và GLC đứng đầu các phân khúc quan trọng về doanh số.
Thị phần hãng ngôi sao ba cánh đang chiếm tới 70%, 30% còn lại các hãng chia nhau. Các thương hiệu Lexus, Audi, BMW cũng cạnh tranh quyết liệt, song doanh số của hãng tốt nhất cũng chưa tới 50% của Mercedes.
Nguyên nhân lớn, ngoài bản thân sản phẩm được ưa chuộng còn bởi giá xe Mercedes lắp ráp rẻ hơn các đối thủ nhập khẩu.
Năm 2017, Toyota với nhiều mẫu xe đa dạng về chủng loại, đi kèm là các mức giá bán từ bình dân cho tới đắt tiền tiếp tục dẫn đầu trong danh sách các hãng xe bán chạy nhất Việt Nam. Tuy nhiên, một số mẫu xe của hãng lại bị các đối thủ cạnh tranh trực tiếp qua mặt và dần bị thất sủng trên thị trường.
Đơn cử trong phân khúc SUV cỡ lớn là mẫu xe Toyota Land Cruiser Prado bị Ford Explorer "thị uy sức mạnh" và đánh bại khi doanh số xe trong tháng 3 là 118 xe, tăng 3,5% so với tháng 2/2017. Trong khi Land Crusier Prado lại có doanh số khá khiêm tốn và èo uột là 17 xe.
Như vậy, dễ dàng nhận thấy Ford Explorer đã và đang trở thành “ông hoàng” trong phân khúc SUV cỡ lớn trong quý I/2017 với tổng doanh số cộng dồn 369 xe, trong khi đó đối thủ Prado chỉ bán được 107 xe.
Ngoài Toyota Land Cruiser Prado, cái tên tiếp theo không thể không nhắc tới là dòng xe hạng sang cao cấp Lexus khi bị Mercedes-Benz “vượt mặt”.
Cụ thể doanh số của Toyota Lexus chỉ đạt 83 chiếc trong tháng 3/2017, tuy có tăng trưởng hơn so với tháng 2 nhưng con số này đang có dấu hiệu giảm dần qua các tháng. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Toyota Lexus là dòng xe sang Mercedes-Benz lại có doanh số cao gấp 7 lần số xe mà Lexus bán ra trong tháng 3 (cụ thể là 614 xe).
Theo đó, sự chênh lệch lớn nhất này bắt nguồn từ giá bán, thiết kế và định vị thương hiệu của Mercedes-Benz hơn hẳn Lexus.
Hiện dòng xe sang Lexus luôn trong tình trạng ế hàng, thậm chí một số đại lý không bán nổi được một chiếc nào trong khi các mẫu xe tầm trung và giá rẻ vẫn được khách hàng quan tâm, ưa chuộng. Với giá bán quá cao, nhiều người dự đoán rằng dòng xe hạng sang cao cấp Lexus của Toyota sẽ còn bị “thất sủng” trong thời gian dài nữa tại thị trường Việt Nam.
Dư địa thị trường xe sang còn rất lớn
Với tăng trưởng GDP bình quân được dự báo khoảng 6% mỗi năm cho đến 2020, số triệu phú Việt Nam sẽ tăng vọt lên gấp đôi trong thời gian tới. Hiện tốc độ tăng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ đạt 170%, thuộc top nhanh nhất thế giới, cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc.
Ngân hàng Thế giới đã dự báo đến năm 2035, hơn một nửa dân số của Việt Nam dự kiến sẽ gia nhập hàng ngũ tầng lớp trung lưu toàn cầu với mức tiêu thụ từ 15 USD trở lên trong 1 ngày.
Đây là một thị trường tiềm năng đối với xe sang và xe siêu sang. Theo kết quả điều tra các doanh nghiệp ô tô, đa số triệu phú Việt Nam chi khoảng 3-5% giá trị tài sản của mình cho ô tô.
Trong năm 2017, giới nhà giàu Việt Nam cũng chi ra hơn 15.000 tỷ đồng để mua xe sang, siêu sang và siêu xe các loại. Có khoảng 160 "xế khủng", đủ các dòng như siêu xe, siêu sang nhập khẩu, có giá sau thuế từ 10 tỷ đến 80 tỷ đồng, đã được cấp đăng kiểm. Bên cạnh đó, gần 1.000 xe có giá bán từ 5-10 tỷ đồng cũng được người giàu xuống tiền mua. Theo giới kinh doanh xe nhập khẩu, tốc độ mua sắm "xế khủng" của đại gia Việt tiếp tục dẫn đầu khu vực. Tốc độ tăng trưởng và độ chịu chơi của Việt Nam đang vượt Singapore, Thái Lan,...
Việt Nam là nước đang phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng, các thành phố đang tiếp tục phát triển và trở nên giàu có hơn trong vài năm tới. Việc trở nên giàu có nhanh chóng khiến cho nhu cầu mua xe bùng nổ, đây chính là cơ sở giúp các thương hiệu xe sang vững tin vào sự tăng trưởng của thị trường về lâu dài.
Theo cam kết với WTO, đến 2019, Việt Nam sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho ô tô dung tích xi lanh lớn xuống còn 52-55%. Cùng các cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tự do khác như Nhật Bản, EU,... thuế suất thuế nhập khẩu với ô tô dung tích xi lanh lớn cũng giảm dần về mức 0% vào thời điểm 2026-2029. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại xe sang, siêu sang có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên giảm giá và thời gian tới, thị trường xe sang, siêu sang còn tăng trưởng.
Theo Công thương